Multimedia Đọc Báo in

Sức lan tỏa từ những phiên chợ hàng Việt

15:10, 05/12/2014

Hai phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” được tổ chức tại huyện Buôn Đôn và Ea Súp vừa qua thực sự là cầu nối giúp DN tiếp cận người tiêu dùng (NTD), tăng độ bao phủ cho hàng Việt ở vùng nông thôn và góp phần không nhỏ vào thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Hồ hởi đón nhận

Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” được tổ chức tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (từ 27-11 đến 2-12) thu hút 24 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với trên 40 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu tại các sản phẩm may mặc, thực phẩm, hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ… Tại đây, khách tham quan còn có cơ hội tham gia các hoạt động như: rút thăm nhận quà, hưởng các chương trình khuyến mãi khi mua sắm, tư vấn thông tin và dùng thử sản phẩm... Còn nhớ, đêm 27-11, dù  đến 7 giờ 30 phút mới diễn ra lễ khai mạc, nhưng chưa đầy 6 giờ tối, đã có rất đông người từ các xã trong huyện và các xã lân cận như Cư Suê, Ea M’nang của huyện Cư M’gar đến xem. Theo Ban tổ chức, chỉ riêng trong ngày đầu tiên, phiên chợ đã có gần 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Tại gian hàng bày bán các sản phẩm thiết yếu: thực phẩm, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… của Co.opMart Buôn Ma Thuột luôn tấp nập khách vào ra mua sắm. Đại diện siêu thị cho hay, hàng Việt bày bán ở đây được người dân địa phương tích cực đón nhận, NTD bây giờ cũng chịu ăn, chịu sắm nên không chỉ các mặt hàng  nước mắm, dầu ăn, bột giặt, nước rửa chén (có kèm quà tặng) bán khá chạy mà bánh kẹo, sữa… cũng rất đông người mua.

Gian hàng  của Co.opMart Buôn Ma Thuột trong phiên chợ đưa  hàng Việt  về  miền núi tại huyện Buôn Đôn.
Gian hàng của Co.opMart Buôn Ma Thuột trong phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Buôn Đôn.

Thông thường, tại các vùng nông thôn, hàng hóa đến tay NTD chủ yếu qua hệ thống bán lẻ nên giá cả chênh lệch là điều dễ hiểu. Do đó, phiên chợ lần này không khỏi làm nhiều người ngạc nhiên trước giá cả sản phẩm do trong nước sản xuất với mẫu mã phong phú, giá rẻ mà chất lượng chẳng thua kém hàng ngoại đã thật sự chinh phục NTD. Chị Nguyễn Thị Tân (người dân xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) chia sẻ, trước đây, chị thường dùng hàng của Trung Quốc như quần áo, dụng cụ nhà bếp… vì giá rẻ, nhưng sau khi có nhiều thông tin về chất lượng các mặt hàng này không bảo đảm khiến chị lo ngại và tìm mua hàng Việt để thay thế. Tại hội chợ, đa số sản phẩm đều là hàng Việt như sữa Vinamilk, dầu ăn Cái Lân, nhôm Hải Phòng… khiến chị yên tâm chọn mua, hơn nữa, lại được bán với giá gốc nên cũng giúp tiết kiệm thêm một khoản chi phí.

Gian hàng bày bán trà hồng sâm mật tại phiên chợ thu hút sự tìm hiểu của đông người tiêu dùng.
Gian hàng bày bán trà hồng sâm mật tại phiên chợ thu hút sự tìm hiểu của đông người tiêu dùng.

Bên cạnh việc cam kết về chất lượng sản phẩm mình làm ra, nhiều DN Việt còn thuyết phục được NTD bằng cách phân khúc thị trường bình dân và điều này đã làm nhiều người cảm thấy hài lòng. Chị Phạm Thị Hai (NTD xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) cho hay, không có điều kiện để mua sắm các loại nệm cao cấp như Kim Đan, Vạn Thành nên chị chọn mua nệm Thái Hà (do Cơ sở sản xuất bồn inox Liên Hòa bày bán) giá chỉ 2,3 triệu đồng nhưng nằm rất êm, lại không bị bẹp dúm.

Đặc biệt, để kích cầu tiêu dùng, trong phiên chợ lần này, hầu như gian hàng nào cũng kèm theo các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10 đến 50% như Co.opMart Buôn Ma Thuột, cơ sở sản xuất bồn inox Liên Hòa, riêng với chương trình “Giờ vàng mua hàng”, “Tri ân khách hàng” mức giảm giá lên đến 90%...

Cơ hội  để DN tiếp cận người tiêu dùng

Hai phiên chợ diễn ra tại hai địa phương khó khăn nhất tỉnh, nhưng có thể thấy, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất bày bán tại đây đều rất được NTD ưa chuộng, không chỉ vậy, họ còn có cơ hội mua được hàng giá rẻ, trực tiếp gặp nhà sản xuất, phân phối để tìm hiểu, tư vấn về các sản phẩm, giúp họ cơ bản phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng chính hãng. Còn với các DN, đây thật sự là cơ hội để mở rộng thị trường, gặp gỡ, thuyết phục NTD tin dùng những sản phẩm chất lượng do trong nước sản xuất. Anh Nguyễn Thái Hòa - Giám đốc cơ sở sản xuất bồn Inox Liên Hòa cho hay, tham gia 8 gian hàng tại phiên chợ, nhưng đơn vị chỉ bày bán trên 300 sản phẩm các loại gồm bồn inox, máy năng lượng mặt trời, máy lọc nước… với mục tiêu là tiếp cận, thuyết phục NTD tin tưởng, sử dụng các sản phẩm của công ty. Dù không kỳ vọng nhiều vào sức mua tại phiên chợ, nhưng đây là cơ hội để NTD nhận diện thương hiệu của Liên Hòa Dak Lak, điều này quan trọng hơn lợi nhuận thu được từ việc tham gia hội chợ. Nhiều năm “tiên phong” đưa hàng Việt về nông thôn, năm nay lại tiếp tục với chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi”, ông Bùi Quang Hòa, đại diện Co.opMart Buôn Ma Thuột chia sẻ, lần nào hàng hóa của đơn vị đưa về các vùng nông thôn cũng đều được đông đảo bà con đón nhận, từ đó, DN định hướng cho mình chiến lược dài hơi trong tổ chức hệ thống bán lẻ phù hợp để hàng Việt trụ vững hơn tại thị trường nông thôn.

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên sức mua tại các phiên chợ trên không lớn, nhưng là tiền đề quan trọng để DN Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường đầy hứa hẹn này. Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Công thương, việc tổ chức phiên chợ là hành động thiết thực, góp phần hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa do DN trong nước sản xuất và nâng cao ý thức “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong NTD.

Tuy nhiên, để hàng Việt thật sự thăng hoa, DN cần nắm bắt lợi thế của từng địa phương, cũng như thói quen mua sắm của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh, để từ đó đưa ra những định hướng, kế hoạch phù hợp trên cơ sở gắn kết giữa nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.