Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel điều tiết nở hoa cà phê

09:41, 24/03/2015
Từ năm 2013 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột triển khai mô hình “công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước” cho cây cà phê tại “cánh đồng mẫu cà phê” thuộc xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột). Đánh giá bước đầu cho thấy kết quả mô hình rất khả quan.

Mô hình được triển khai áp dụng tại vườn cà phê của gia đình anh Trần Văn Mỹ (thôn 3, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) với diện tích 1ha. Ưu điểm của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ tích cực của cây cà phê thông qua các hệ thống lỗ tưới được bố trí dọc 2 bên gốc cà phê, đầu nhỏ giọt tự bù áp lực nước được sản xuất gắn chìm trong ống nhựa PE theo khoảng cách cố định. Tại vườn cà phê của anh Mỹ, hệ thống lỗ tưới được thiết kế cách nhau 50 cm (mỗi gốc bố trí 12 lỗ tưới, phân bố đều dọc 2 bên gốc) sao cho nước và dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và đồng đều cho tất cả các cây cà phê trong khu vườn, giúp chủ nhân quản lý nước tưới và dinh dưỡng cho cây cà phê một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là điều tiết nước phù hợp sinh lý nở hoa cà phê (là cơ sở quyết định năng suất, chất lượng và sự bền vững của vườn cà phê), dựa vào đặc điểm của tưới nhỏ giọt là lưu lượng tưới nhỏ, thời gian một lần tưới kéo dài, chu kỳ tưới ngắn, có thể khống chế lượng nước tương đối chính xác, đưa nước và chất dinh dưỡng đến vùng đất quanh rễ cây.

Anh Trần Văn Mỹ (bên trái) đưa cán bộ Sở Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn tham quan vườn cà phê của gia đình.
Anh Trần Văn Mỹ (bên trái) đưa cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan vườn cà phê của gia đình.

Anh Mỹ từng rất băn khoăn, lo lắng khi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để kích thích bung hoa bởi trước đây mỗi lần tưới kích thích bung hoa cà phê thì lượng nước từ 600 – 700 lít/gốc (vì đây là giai đoạn cây cà phê cần nhu cầu nước cao nhất và việc cấp đủ lượng nước, đúng thời điểm sẽ mang tính quyết định đến sản lượng và chất lượng của cà phê) trong khi với công nghệ này thì lượng nước nhỏ giọt 1,6 lít/giờ/1 đầu ra. Anh chỉ thở phào nhẹ nhõm khi những mầm hoa phân hóa đầu tiên bắt đầu nở đến mầm hoa cuối cùng trên vườn nở rộ (sau 9 ngày kể từ khi ứng dụng 15 giờ đồng hồ tưới nhỏ giọt để kích thích bung hoa). Anh Mỹ cho biết: Căn cứ vào lượng nước cần tưới cho quá trình bung hoa cà phê mà các nhà khoa học đã tính toán trên cơ sở sinh lý của cây cà phê trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, anh đã cho tưới kích thích nở hoa làm 2 đợt: đợt đầu thời gian tưới là 15 giờ, với lượng nước trên 1 gốc là 288 lít (12 đầu ra/gốc cà phê x 1,6 lít nước/đầu ra/giờ x 15 giờ), đợt này đã làm nở bung tất cả những nụ hoa đã phân hóa mầm (đạt 70-80% lượng hoa/vụ). Mười lăm ngày sau anh tưới đợt 2, thời gian là 7 giờ với lượng nước là 134 lít/gốc cho nở hết những mầm hoa còn lại đã phân hóa. So với cách tưới truyền thống, lượng nước được tiết kiệm rất nhiều (khoảng 200-300lít/gốc/đợt tưới).

Theo anh Mỹ, để đạt hiệu quả bung hoa đồng loạt toàn bộ khu vườn cà phê theo công nghệ tưới nhỏ giọt, trước đó phải tuân thủ kỹ thuật “quy trình tưới gom rễ” cà phê theo hướng dẫn. Mục đích gom rễ là tập trung rễ trong vùng đất xác định, bằng cách duy trì ẩm độ và không khí liên tục trong vùng ướt dọc theo rễ cây cà phê, dải ướt liên tục sẽ tạo ra khối lượng rễ tích cực của cà phê, theo đó ngăn ngừa sự phát triển độ mặn của đất, nâng cao hiệu quả của việc hấp thu nước và chất dinh dưỡng, phát triển độ ẩm và độ thông thoáng tối ưu cho đất, tiết kiệm được năng lượng của cây trồng. Vì vậy, mặc dù từ cuối năm 2013 mô hình “công nghệ tưới nhỏ giọt” đã được triển khai lắp ráp tại vườn cà phê của anh Mỹ nhưng đến đầu năm 2015 mới ứng dụng kỹ thuật “tưới bung hoa” sau chuỗi ngày thực hiện quy trình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo nước để gom rễ.

Được biết, từ năm 2011, công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê đã được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình của ông Ama Chương tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) khi áp dụng công nghệ tưới này đã cho thu nhập tăng thêm hơn 18 triệu đồng/ha/vụ. Hệ thống “tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước” theo công nghệ của hãng Netafim - Israel tại vườn cà phê của anh Trần Văn Mỹ hiện giờ cho thấy, công nghệ này đã được cải tiến so với những năm trước như: giảm lượng nước từ đầu ra trong một giờ tưới cho phù hợp với kết cấu đất và yêu cầu của cây cà phê; khắc phục hiện tượng hệ thống ống ngầm bị côn trùng cắn phá; điều tiết khoảng cách giữa đầu nhỏ giọt trên ống nhỏ giọt hợp lý, giá thành phù hợp hơn...  Theo ông Vũ Kiên Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim  (Israel) tại Việt Nam, tổng chi phí đầu tư cho 1 ha tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê công nghệ Israel hiện nay khoảng 50 triệu đồng (một vài thiết bị có thể thay thế bằng hàng của Việt Nam chất lượng cao); thời hạn sử dụng tối thiểu là 10 năm.

Hiệu quả thiết thực được anh Mỹ ghi nhận khi ứng dụng công nghệ này là hệ thống có thể vận hành thường xuyên; giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường; hạn chế sự xói mòn đất; làm cho độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt ở mức tối ưu cho cây cà phê; làm cho vùng rễ tươi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây, phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực; tiết kiệm nước tưới nên điều tiết được mạch nước ngầm của giếng khoan, phục vụ nước tưới đầy đủ cho vườn cà phê trong suốt mùa khô; giảm chi phí phân bón, giảm một phần thuốc bảo vệ thực vật vì cây cà phê sinh trưởng tốt, kháng được một số loại sâu bệnh hại, giảm đến 50% công lao động (bón phân, kéo ống tưới nước, phun thuốc BVTV, làm cỏ…), bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, sản phẩm cà phê sản xuất sẽ chất lượng hơn, góp phần đáp ứng nhu cầu về chứng nhận VietGAP cũng như Global GAP, phù hợp cho công nghệ chế biến xuất khẩu cà phê đến các nước phát triển.

Phương pháp tưới này thích ứng với những điều kiện khác nhau nên có thể sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với cây cà phê của Dak Lak, một vùng đất ít bằng phẳng, mùa khô kéo dài đến 6 tháng, luôn khan hiếm nước. Một điểm ưu việt nữa của hệ thống tưới nhỏ giọt cho cà phê của hãng Netafim- Israel là có van điều áp nên toàn bộ hệ thống tưới đều ổn định áp lực, các lỗ nhỏ giọt lưu lượng đồng đều nhất trên cả vườn, cho dù độ bằng phẳng của vườn cà phê không đồng đều là đặc trưng của Tây Nguyên. Đặc biệt, nếu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên diện tích lớn sẽ tiết kiệm một nguồn nước lớn, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước trên những diện tích cây trồng khác của Tây Nguyên vào mùa khô hạn. 

 

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc