Lắp đặt và khai thác công tơ điện tử, hệ thống AMR: Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng điện tiết kiệm
Thiết bị này được đưa vào sử dụng trên lưới tại Công ty Điện lực (PC) Dak Lak từ năm 2011. Trong thời gian đưa vào sử dụng đến nay, thiết bị hoạt động ổn định và chính xác. Số lượng công tơ điện tử bị hư hỏng rất ít và đã được khắc phục nhanh chóng ngay khi phát hiện. Trong đó, để mở rộng địa bàn lắp đặt công tơ điện tử cũng như tạo thói quen vận hành thiết bị này, trong năm 2014, PC Dak Lak đã thực hiện việc lắp đặt tại 13/16 Điện lực trực thuộc và đã lắp đặt thêm 29.800 công tơ 1 pha và 3.700 công tơ 3 pha.
Với khối lượng tương đối lớn, ngay từ đầu năm 2014 đơn vị đã lập kế hoạch triển khai lắp đặt. Trong đó, Công ty giao cụ thể cho từng đơn vị quản lý vận hành về số lượng cũng như lộ trình thay thế. PC Dak Lak tập trung triển khai trước tại các địa bàn tập trung đông dân cư. Mặt khác, để đồng bộ trong việc ghi - nhập chỉ số, thuận lợi trong công tác quản lý, đơn vị thay thế đồng bộ công tơ 1 pha và 3 pha cơ khí bằng công tơ điện tử 1 pha và 3 pha có tích hợp modul RF tại các vị trí. Đồng thời, trong quá trình triển khai, căn cứ thực tế, các Điện lực đã chủ động đề xuất vật tư, thay thế các hộp bảo vệ công tơ bị bể, vỡ, mất nắp, không niêm chì trên lưới điện. Điều này nhằm ngăn ngừa tình trạng chạm, chập gây thất thoát sản lượng điện, hạn chế tình trạng bị trộm cắp điện, cháy hỏng thiết bị cũng như chỉnh trang lại hệ thống, tạo mỹ quan. Song song đó, đơn vị cũng chú trọng đến việc tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí. Hầu hết các hộp công tơ, dây đấu cầu được sử dụng lại, tận dụng vật tư trong khâu lắp đặt. Các dây đai thép bảo vệ hộp công tơ cũng được gia cố để bảo đảm công tơ không bị bung ra hoặc rơi mất nắp trong quá trình vận hành.
Song song với công tác lắp đặt công tơ điện tử, việc khai thác hệ thống AMR (Automatic Metter Reading – Hệ thống tự động đọc chỉ số công tơ và truyền dữ liệu về máy chủ để xử lý) cũng được PC Dak Lak triển khai thực hiện tốt. Hiện nay, Công ty quản lý 1.449 hệ thống thu thập dữ liệu.
Hệ thống này cơ bản đáp ứng được yêu cầu truyền nhận số liệu trong phát hành hóa đơn tiền điện và phục vụ công tác quản lý. Khách hàng cũng có thể dễ dàng truy cập, kiểm tra, theo dõi sản lượng trên website chia sẻ của Tổng Công ty. Với đơn vị quản lý vận hành, việc truy cập số liệu có thể thực hiện thông qua phần mềm MDMS (trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh), thuận tiện trong việc theo dõi chỉ số qua mạng Internet và sự cố của công tơ điện tử. Qua đó, dữ liệu các công tơ được lắp đặt modem truyền dữ liệu từ xa như dòng điện, điện áp, công suất tác dụng, công suất phản kháng, hệ số công suất… đều được cập nhập. Bên cạnh đó, từ hoạt động này, đơn vị kiểm tra được sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng sử dụng điện, kiểm tra sự phù hợp của hệ thống đo đếm với phụ tải hay không. Khai thác các ứng dụng của hệ thống, PC Dak Lak đã áp dụng việc khai thác dữ liệu phục vụ công tác kỹ thuật và vận hành hệ thống lưới điện. Từ đó, các công tác phân tích tình hình phục tải, tụ bù hạ, theo dõi các thông số vận hành lưới điện, phân tích tổn thất điện năng… thuận lợi hơn nhiều so với trước.
Việc khai thác có hiệu quả công tơ điện tử, hệ thống AMR đã góp phần từng bước hoàn thiện việc đồng bộ, hiện đại hóa công tác ghi, nhập chỉ số, phát hành hóa đơn tiền điện. Bên cạnh đó, ứng dụng sự phát triển của công nghệ trong hoạt động, từng khâu trong sản xuất kinh doanh sẽ từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Hương Cẩm
Ý kiến bạn đọc