Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần một cú hích
Với mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp là phát triển theo hướng từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững, do vậy, việc hình thành và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) làm hạt nhân là một định hướng đúng đắn để đi tắt, đón đầu thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp CNC ở Dak Lak trong thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.
Vẫn còn chậm
Với lợi thế là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, thời gian qua Dak Lak đã đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con áp dụng công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, đối với cây cà phê, hầu hết nông dân đều biết áp dụng công nghệ làm phân vi sinh từ việc tận dụng vỏ cà phê và các phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây. Bên cạnh đó, đáng chú ý hơn cả là rất nhiều chương trình sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, RFA, Fairtrade… đã và đang mang lại cho người sản xuất, doanh nghiệp, cộng đồng nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Đơn cử như tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, từ năm 2010 Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên đã liên kết với 1.500 hộ dân, gần 2.100 ha cà phê để sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận UTZ Certified. Kết quả cho thấy chi phí đầu tư đã giảm từ 4-5 triệu đồng/năm, năng suất tăng lên 10%, chất lượng cũng được nâng lên và được trả giá cao hơn thị trường 400 đồng/kg. Từ mô hình này, huyện Cư M’gar đã triển khai thực hiện được 5.000 ha cà phê theo chứng nhận UTZ, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo nhóm nông hộ và hợp tác xã. Cùng với đó là công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới cho cây cà phê cũng được áp dụng thí điểm ở nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nước, phân bón và tăng năng suất cho vườn cây.
Cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1 ở huyện Krông Pak. |
Thực tế trên cho thấy, việc áp dụng công nghệ cho canh tác cà phê đã làm tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu, người nông dân được hưởng lợi từ giá cộng thêm và giá bán cao hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường có yêu cầu cao, qua đó vừa bán được sản phẩm giá cao, vừa cải thiện được hình ảnh chất lượng của cà phê Việt. Không những thế, khi áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất đã góp phần kết nối thành công “4 nhà” trong việc phối hợp, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Đồng thời, nông dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, quản lý rác thải, tăng cường cây che bóng và một số cây phủ đất để giữ ẩm và cải tạo đất, dần bỏ được thói quen canh tác cực đoan, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… Tuy nhiên, thực tiễn ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak vẫn còn nhiều hạn chế ở quy mô, mức độ đầu tư của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chưa trở thành cú hích thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, những mô hình diện tích nhỏ lẻ cũng không thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư vốn, kỹ thuật để sản xuất kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn so với nông nghiệp truyền thống. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho công nghệ cao chưa được quan tâm, đào tạo một cách bài bản; giá bán của các sản phẩm công nghệ cao vẫn chưa cao…
Công nghệ ươm giống cà chua trên giá thể của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ. |
Cần có giải pháp hợp lý
Theo các nhà quản lý nông nghiệp, muốn thành công trong phát triển nông nghiệp CNC phải dựa vào các yếu tố chính là lợi thế từ điều kiện thiên nhiên, gần thị trường tiêu thụ; lợi thế từ khoa học, công nghệ và khả năng tài chính. Theo đó, CNC được áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp như phát triển giống mới, công nghệ tưới tiên tiến, các công nghệ tiết kiệm đất …, và quan trọng nhất là công nghệ quản lý và tổ chức sản xuất, góp phần quản lý tốt hơn chất lượng nông sản. Dak Lak được đánh giá là tỉnh có tiềm năng đất đai, khí hậu, thủy văn thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và rừng, tuy nhiên, những gì đạt được trong thời gian qua chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế vốn có. Để giải quyết tình trạng này các nhà quản lý nông nghiệp đều cho rằng Dak Lak nhất thiết phải cải tiến công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, cùng với đó là cần xác định các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế tiềm năng của địa phương và xây dựng các chương trình cụ thể để thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với nghiên cứu thị trường, từng bước hạn chế việc sản xuất theo phong trào, tự phát; coi truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu… Hiện tại, Dak Lak cũng đã xây dựng mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, theo đó giai đoạn 2014-2015 sẽ từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng CNC như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, điều, lúa giống, cá giống; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quản lý và điều hành các hoạt động của khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Đến năm 2020, xây dựng một khu nông nghiệp ứng dụng CNC, mỗi huyện có ít nhất một vùng sản xuất nông nghiệp CNC; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng CNC trong nông nghiệp, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm ít nhất 40-45% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp…
Với những mục tiêu trên, hy vọng Dak Lak xây dựng được lộ trình, quy mô và thời gian thực hiện cho từng sản phẩm nông nghiệp, từ đó có hướng đầu tư trọng điểm, bền vững.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc