Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện quyết liệt các biện pháp chống hạn

10:15, 30/03/2015

Đến cuối tháng 3 tình hình khô hạn trên địa bàn Dak Lak đã có những diễn biến phức tạp, lượng nước tại các công trình thủy lợi sụt giảm nghiêm trọng, gần trăm hồ đập, trạm bơm cạn khô hoặc dưới mực nước chết, kéo theo hàng chục nghìn héc-ta cây trồng bị khô hạn, mất trắng… khiến nông dân lao đao và đối mặt  với nguy cơ mất mùa.

Tình hình khô hạn diễn biến nhanh

Vụ đông xuân 2014 - 2015 được dự báo sẽ có nhiều bất lợi, tổng lượng mưa trong toàn vụ đạt thấp, các sông suối nhỏ và vừa có thể sẽ bị khô cạn, hoặc dòng chảy đến không đáng kể vào thời kỳ cuối vụ, cần đề phòng hạn hán khốc liệt có khả năng xảy ra. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các huyện rà soát kỹ diện tích gieo trồng; các công trình thủy lợi, nguồn nước… để xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp và sửa chữa, nâng cấp kịp thời các công trình thủy lợi hư hỏng nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt đối với lúa nước, Sở yêu cầu các địa phương không xây dựng kế hoạch ở những diện tích bấp bênh, không có công trình thủy lợi, mà khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp... Nhờ vậy, đã hạn chế được phần nào việc gieo trồng ngoài kế hoạch vụ đông xuân 2014-2015. Tuy nhiên, năm nay tình hình hạn diễn biến nhanh và phức tạp hơn so với mọi năm, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), từ đầu tháng 3-2015 đến nay, mực nước các sông, suối đã giảm nhanh, nhiều đoạn sông, suối không còn dòng chảy như: sông Krông Năng, Krông Pak, suối Ea Tul, suối Ea H’leo; mực nước các hồ chứa cũng giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới, các hồ nhỏ đã cạn khô hoặc nước chết, các hồ vừa còn khoảng 20 - 50% dung tích trữ, chỉ các hồ chứa lớn là bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới ổn định, tuy nhiên do hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh nên hạn chế khả năng khai thác nước phục vụ chống hạn. Mặt khác, nguồn nước ngầm cũng suy giảm rất nhanh trong quá trình phục vụ tưới (mực nước ngầm phổ biến ở các vùng trong tỉnh bị tụt sâu từ 3 - 6 m), lưu lượng nước ngầm giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2014, thậm chí nhiều vùng nước giếng đã cạn kiệt dẫn đến khó khăn về nguồn nước tưới cà phê và phục vụ sinh hoạt.

Cánh đồng lúa ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar bị mất trắng do không có nguồn nước tưới.
Cánh đồng lúa ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar bị mất trắng do không có nguồn nước tưới.

Theo báo cáo của các địa phương đã có 69 hồ chứa, 9 đập dâng và 2 trạm bơm bị cạn khô hoặc dưới mực nước chết, do thiếu nguồn nước chống hạn nên diện tích cây trồng bị khô hạn và mất trắng trên địa bàn tỉnh tăng lên từng ngày. Tính đến 24-3, toàn tỉnh có 24.291ha/ 45.987 ha cây trồng bị hạn (gồm: 4.658 ha lúa, 19.468 cà phê, 117 ha ngô), trong đó diện tích bị mất trắng là 878 ha; 2.516 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt (huyện Krông Bông: 1360 hộ, Krông Năng: 100 hộ; Ea Kar: 1.056 hộ).

Nỗ lực từ các địa phương

Trước tình hình trên, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã ban hành các văn bản và kiểm tra thực tế để chỉ đạo các địa phương chống hạn với mọi nguồn lực huy động từ nhân dân và chính quyền. Tại huyện Ea Kar, theo Phòng NN-PTNT huyện, hiện nay đã có 5 hồ hết nước, trên 50% số hồ đạt từ 20-30% dung tích, các khe suối và sông Krông Năng (đoạn chảy qua địa bàn huyện) đã hết nước, riêng sông Krông Pak chỉ còn tưới được 1 đợt là khô cạn. Tổng diện tích lúa nước bị hạn là 4.071 ha, trong đó mất trắng 272 ha lúa. Chính quyền và người dân ở đây đã áp dụng nhiều biện pháp chống hạn như: tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, quản lý và điều tiết nước hợp lý; những vùng bị khô hạn nặng, người dân đã sử dụng các loại bơm để đưa nước từ sông, hồ, đập vào ruộng cứu lúa... Riêng đối với gần 600 ha lúa ở cuối nguồn sông Krông Pak (thuộc xã Ea Ô, Công ty TNHH MTV Cà phê 716 và xã Ea Kmút) hiện đã hết nước tưới (dự kiến nếu không có nguồn nước tưới sẽ mất trắng), Phòng NN-PTNT, xã Ea Ô, xã Ea Kmút và Công ty TNHH MTV Cà phê 716 đã khảo sát và xác định lấy nguồn nước từ công trình Krông Buk Hạ để tưới chống hạn, bằng cách đào kênh dẫn dòng (có chiều dài 1.500 m) từ cuối kênh Krông Buk hạ đến khu tưới của xã Ea Ô, với nguồn kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Hiện tại phòng đang cùng đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát thực địa để xem tính khả thi của phương án này, nếu được sẽ tiến hành làm ngay để dẫn nước về chống hạn kịp thời. Tại huyện Cư Kuin, các biện pháp chống hạn cũng được thực hiện quyết liệt để hạn chế thiệt hại mức thấp nhất cho 766/17.365 ha cây trồng đang bị hạn (gồm: 471 ha lúa và 295 ha cà phê). Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, ngay khi có dấu hiệu khô hạn, đơn vị đã yêu cầu các xã xây dựng phương án chống hạn cho từng cánh đồng; tổ chức lực lượng lao động làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, đắp đập chắn nước; vận động người dân và các trường học tiến hành nạo vét giếng đào, sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt; chủ động nguồn kinh phí dự phòng cấp xã để triển khai các biện pháp chống hạn… Theo đó, các cánh đồng bị thiếu nước đã được đặt các bơm để bơm nước từ sông, giếng, các công trình thủy lợi tưới cho lúa, đồng thời nạo vét các kênh dẫn nước để điều tiết nước từ các hồ, đập…; nhờ vậy, diện tích bị mất trắng rất ít, khoảng trên 3 ha lúa.

Do mực nước xuống thấp, người dân phải đặt máy bơm dưới lòng đập Sình Tre (xã Cư  Êwi, huyện Cư Kuin) để bơm nước tưới.
Do mực nước xuống thấp, người dân phải đặt máy bơm dưới lòng đập Sình Tre (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) để bơm nước tưới.

Ngoài các huyện nêu trên, một số địa phương khác cũng đã tích cực triển khai công tác chống hạn bằng nhiều hình thức khác nhau, như huyện Krông Pak đã phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi xả nước từ công trình Krông Buk Hạ xuống suối Nước Đục để tưới cho hạ du; huyện Ea H’leo xả hồ Ea Ral 1 xuống Ea Ral 2 để tưới cho vùng hạ lưu; huyện Krông Ana sử dụng ống nhựa dẻo dẫn nước bơm từ sông Krông Ana vào suối, ao hồ nhỏ để bơm chuyền lên ruộng chống hạn, một số hộ dân đã đào giếng ở chân ruộng, dùng nước ngầm để bơm cho lúa…

Đập thôn 5, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin đã bị cạn nước.
Đập thôn 5, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin đã bị cạn nước.

Theo Ban PCTT-TKCN tỉnh, do nguồn nước chống hạn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương đã rà soát diện tích cây trồng cần tưới và cân đối nguồn nước hiện có để bố trí ưu tiên tuần tự: cấp nước sinh hoạt cho người, nước phục vụ chăn nuôi, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày (cà phê, hồ tiêu), sau đó mới tưới lúa và hoa màu khác. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từ nguồn kinh phí chống hạn, nhân dân đã tự huy động các nguồn lực và dùng nhiều biện pháp chống hạn quyết liệt nhằm bảo vệ sản xuất.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.