Multimedia Đọc Báo in

Vận hội mới cho cây cà phê

09:15, 25/03/2015
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015 vừa kết thúc với rất nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hội nghị khoa học..., hứa hẹn mở ra vận hội mới cho cây cà phê.

Một trong những hoạt động đáng chú ý tại Lễ hội là Hội nghị phát triển cà phê bền vững, do Bộ NN-PTNT chủ trì, có nội dung trọng tâm là đẩy mạnh việc liên kết để phát triển bền vững. Đây không phải lần đầu vấn đề “liên kết 4 nhà” được nhắc đến, nhưng tại Hội nghị này, đã có nhiều ý kiến đóng góp để “liên kết 4 nhà” đi vào thực tiễn, bởi đây là yếu tố cốt lõi để ngành cà phê nói riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố giúp hiện thực hóa “liên kết 4 nhà” đó là việc Nhà nước ưu tiên thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển cà phê Việt Nam nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ cho nghiên cứu, chuyển giao giống, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, hỗ trợ các hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng cà phê; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hộ dân, giữa hộ dân với các doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng và phát triển các tổ hợp tác sản xuất kinh doanh cà phê; hỗ trợ, đầu tư, trao đổi hàng hóa nhằm giảm áp lực về nhu cầu tài chính cho người dân. Đặc biệt, nhiều ý kiến hướng đến việc hướng dẫn các hộ dân liên kết, hợp tác với nhau, với DN trong khâu bảo vệ sản phẩm, thu hoạch, phơi sấy, sơ chế cà phê… cũng được xem là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững.

Thu hoạch cà phê tại Công ty Cà phê 15.
Thu hoạch cà phê tại Công ty Cà phê 15.

Cũng trong dịp lễ hội, Công ty CP Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) ra mắt được kỳ vọng là lời giải cho đầu ra của cà phê Việt Nam. Thông qua BCCE, cà phê được mua tận gốc từ nông dân và bán trực tiếp cho sàn Liffe (thị trường tài chính giao dịch hàng hóa tương lai và quyền chọn London) tại London (Anh), hứa hẹn thoát khỏi tình trạng bị ép giá. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc BCCE cho biết, nhiều năm qua, các DN Việt Nam mua bán, xuất khẩu cà phê hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới và khi tham gia mua bán trên sàn Liffe, đa phần phía Việt Nam phải bán trừ lùi 50-100 USD/tấn cà phê, tính ra, mất gần 200 triệu USD/năm. Nếu giao dịch qua BCCE, cà phê Việt Nam sẽ không còn bán theo cách trừ lùi nữa. Dự kiến, sau khi được Chính phủ cho phép và kết nối chính thức với các sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài, đầu niên vụ mới (tháng 10-2015), BCCE bắt đầu giao dịch. Thông qua BCCE, giá cả sẽ được công khai, rõ ràng, tạo lòng tin cho những người giao dịch và nông dân yên tâm sản xuất. Gần 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là từ cây cà phê, UBND tỉnh tham gia sâu (giữ 42% vốn) vào BCCE chính là một lời khẳng định về sự "chống lưng" của cơ quan quản lý Nhà nước đối với những người sản xuất, trồng cà phê.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cà phê, nhưng vì phần lớn do DN nước ngoài mua xuất khẩu nên bị ép giá, kim ngạch chỉ đạt hơn 3,5 tỷ USD. Theo ông Trần Thanh Hải, người trồng cà phê Robusta trên thế giới thu về khoảng 10 tỷ USD/năm. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới nhưng mỗi năm chỉ thu về hơn 3,5 tỷ USD. Có thể nói, tiềm năng, hứa hẹn là rất lớn, do vậy những động thái trên của các nhà quản lý, các DN hứa hẹn sẽ mở ra vận hội mới cho cây cà phê.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc