Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột trước tình trạng khô hạn nghiêm trọng

09:06, 25/03/2015

Từ đầu mùa khô đến nay, tình trạng nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp, cũng như việc sinh hoạt của người dân TP. Buôn Ma Thuột.

Năm nay do nguồn nước từ suối Ea Tam phục vụ tưới cho 70 ha lúa nước và 100 ha cà phê trên địa bàn phường Khánh Xuân bị thiếu hụt ngay từ đầu mùa khô, nên UBND phường đã chủ động tiến hành bơm nước từ hồ Thống Nhất để cứu hơn 60 ha lúa đang có nguy cơ bị hạn. Ông Trần Việt Quang, cán bộ giao thông thủy lợi của phường cho biết, luôn có từ 2 đến 3 người túc trực để điều phối lượng nước cân đối, phù hợp, tránh trường hợp người dân quá lo lắng cho diện tích của mình mà tự tiện điều chỉnh và cũng phải có người coi, tiếp nguyên liệu, bảo quản máy móc. Ông Phạm Văn Tiến, cán bộ nông nghiệp phường Khánh Xuân cho hay, trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, ngay từ đầu mùa khô, UBND phường đã cử người kiểm tra tất cả cánh đồng lúa và diện tích cà phê trên địa bàn. Nhận thấy có một số diện tích lúa cần chống hạn gấp nên UBND phường đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Dak Lak tiến hành bơm nước chống hạn. Hiện trạm bơm này đang điều tiết bơm nước cho xã Hòa Xuân 4 ngày/tuần và phường Khánh Xuân là 3 ngày/tuần. Ông Tiến cho biết thêm: “Nếu trong những ngày tới mà trời không mưa, lượng nước trong hồ sẽ sụt giảm mạnh, dự báo diện tích lúa và cà phê trên địa bàn có nguy cơ bị hạn tăng cao, kéo theo kinh phí chống hạn cũng sẽ tăng”.
Ông Phạm Văn Tiến đang kiểm tra máy bơm tại hồ Thống Nhất.
Ông Phạm Văn Tiến đang kiểm tra máy bơm tại hồ Thống Nhất.

Hạn hán, thiếu nước cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày của người dân trên địa bàn. Những ngày này, chị Đặng Thị Hồng Thoan (tổ dân phố 6 phường Tân Tiến) phải thường xuyên căn ngày để hứng nước vào bồn chứa mới mua của gia đình. Chị Thoan than thở: “Do nước ban ngày không thể bơm lên bồn, nên chỉ có thể hứng vào xoong, chậu… Đến tận đêm khuya, tôi phải dậy bơm nước vào bồn để dự trữ cho sinh hoạt của ngày hôm sau”. Việc tiết kiệm nước dùng cho sinh hoạt gia đình đã khó, nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh lại càng khó hơn. Chị Kim Phụng, chủ một quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Viết Xuân thì chia sẻ: “Do cắt nước luân phiên nên tôi đã phải mua thêm 2 bồn nước dự trữ và sử dụng rất tiết kiệm, hợp lý trong nấu nướng và bảo đảm vệ sinh thực phẩm”.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Dak Lak cho biết, từ đầu mùa khô 2015 đến nay, trên địa bàn không có mưa, hạn hán kéo dài, mực nước ngầm tụt giảm, tuy các máy bơm đã hoạt động hết công suất nhưng Công ty chỉ đủ cung cấp khoảng 40.000m3/ngày đêm (công suất thiết kế là 50.000m3/ngày đêm), thiếu hụt 10.000m3/ngày đêm. Do đó để bảo đảm việc cấp nước sinh hoạt cho khách hàng, Công ty đã triển khai công tác điều phối nước (cúp nước luân phiên) nhằm cung cấp cho người dân ở những khu vực bất lợi. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã đưa công trình cấp nước bổ sung 5.000m3/ngày đêm ở hồ Ea Cuôr Kăp vào hoạt động và dùng xe bồn chở nước đến khu dân cư ở xa. “Về lâu dài, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như sự phát triển của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Dak Lak nói chung, Công ty đang triển khai Dự án Cấp nước TP. Buôn Ma Thuột và 3 huyện là Buôn Đôn, Ea Kar và Krông Năng, với nguồn nước lấy từ sông Sêrêpôk, công suất dự kiến khoảng 35.000m3/ngày đêm để nâng cao năng lực phục vụ cũng như bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Dự tính đến cuối 2016, dự án sẽ đi vào hoạt động”.

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc