Thị xã Buôn Hồ: Từng bước hiện đại hóa hệ thống thương mại, dịch vụ
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thị xã Buôn Hồ còn chú trọng phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ và từng bước hiện đại hóa, đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Những năm qua, thương mại - dịch vụ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ phát triển khá nhanh, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2012, toàn thị xã có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 1.300 hộ, DN. Đáng chú ý, thời gian gần đây, hệ thống đại lý phân phối mọc lên ngày càng nhiều và đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo đó, thị xã đã thu hút được các thương hiệu lớn mở chi nhánh, đại lý phân phối tại đây như Thế giới di động, Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Dầu ăn Marvela, Bia Sài Gòn, với hơn 10 đại lý phân phối các mặt hàng sữa, dầu ăn, gạo, nước giải khát… Đây được coi là điểm nhấn trong phát triển thương mại, dịch vụ của thị xã, là đầu mối phân phối các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi và tiêu dùng ngay tại địa phương và các huyện, xã lân cận. Cùng với nhiều điểm bán lẻ, bán sỉ khác trên địa bàn, hơn 300 tiểu thương kinh doanh tại chợ thị xã đã mạnh dạn đầu tư quầy, sạp, nhập thêm lượng hàng phong phú về phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần nâng cao lượng hàng hóa lưu chuyển trên thị trường của địa phương ngày càng lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH khai thác và quản lý chợ thị xã Buôn Hồ, nhờ sự vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể và kiểm soát của lực lượng chức năng mà tỷ lệ hàng Việt được bày bán tại chợ thị xã cũng dần chiếm tỷ trọng lớn, hàng Trung Quốc giảm dần số lượng. Về phía tiểu thương cũng ý thức, trách nhiệm hơn với hàng hóa do mình bán ra và hạn chế việc nói thách, “hét” giá lên cao để thu hút khách.
Các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh khá sầm uất trên đường Hoàng Diệu (thị xã Buôn Hồ). |
Để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, những năm qua, thị xã đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, tạo điều kiện để các hộ dân buôn bán thuận lợi, đặc biệt, khuyến khích các hộ có diện tích mặt bằng phù hợp, sẵn lao động nông nhàn tham gia vào các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ. Căn cứ vào điều kiện của từng phường, thị xã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ cho từng nơi, trong đó, tập trung phát triển ở các phường An Lạc, An Bình…, cùng với chú trọng giữ vững an ninh trật tự, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại để bảo vệ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng lẫn DN làm ăn chân chính. Nhờ đó, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ của thị xã không ngừng tăng trưởng, nếu như năm 2010 chỉ đạt 985 tỷ đồng thì đến năm 2014 đã tăng lên trên 1.640 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (38,8%, năm 2014).
Hệ thống thương mại được phủ khắp, không gian đô thị ngày càng mở rộng, thị xã đã hình thành các khu, tuyến phố kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu… hoạt động khá sôi động và gần như hầu hết các ngân hàng thương mại lớn đều có chi nhánh đứng chân trên địa bàn thị xã, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Cùng với đó, các loại hình dịch vụ cũng được người dân lựa chọn và phát triển khá đa dạng, nhất là dịch vụ lưu trú, điểm vui chơi, giải trí, ăn uống, hệ thống nhà hàng, quán xá mọc lên ngày càng nhiều trên các tuyến đường Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo… và được đầu tư bài bản, sang trọng.
Nhìn chung, mạng lưới thương mại, dịch vụ trên địa bàn thị xã phát triển khá nhanh và đa dạng, tuy nhiên quy mô vẫn chưa xứng tầm của một đô thị loại 4, nhất là địa phương vẫn chưa hề có một siêu thị, hay trung tâm thương mại lớn làm địa chỉ tin cậy để người dân có cơ hội mua sắm hàng hóa phong phú cũng như được phục vụ các dịch vụ hậu mãi chu đáo đi kèm. Theo ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, để mục tiêu đưa thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã giai đoạn 2016-2020, địa phương sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, chợ…, đặc biệt, chú trọng kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, cùng với triển khai xây dựng các chợ nông sản, đầu mối, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hệ thống chợ…, phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ trên 4.600 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng bình quân trên 17%.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc