Multimedia Đọc Báo in

Giá thức ăn giảm, người chăn nuôi được lợi

09:17, 24/06/2015
Trong chăn nuôi, chi phí đầu tư thức ăn giữ vai trò quyết định đến hiệu quả sản xuất; từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) giảm giúp nhiều nông dân có lời, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Lý, một tiểu thương kinh doanh thức ăn tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, giá thức ăn hiện tại trên thị trường giảm đồng loạt từ 5.000 – 20.000 đồng/bao 25 kg, tùy loại, riêng thức ăn nội giảm giá nhiều hơn thức ăn ngoại nhập. Người chăn nuôi đang có xu hướng chuyển sang sử dụng thức ăn nội nhiều hơn do giá thức ăn sản xuất trong nước thấp hơn thức ăn ngoại nhập nhưng chất lượng vẫn được bảo đảm. Sở dĩ có mức giảm trên do mức thuế nhập khẩu thức ăn giảm từ 5% xuống bằng không nên giá thành các sản phẩm cũng giảm theo. Chị Nông Thị Thu, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) phấn khởi, chăn nuôi quy mô lớn thắng thua ở đầu vào, nếu trúng thời điểm giá thức ăn giảm thì có lời, ngược lại giá thức ăn cao thì lỗ. Hiện tại, gia đình chị nuôi 1.000 con gà, mỗi lứa 4 tháng, chi phí thức ăn hết hơn 30 triệu đồng, nay giá thức ăn giảm từ 270.000 đồng/bao 25kg xuống còn 250.000 đồng/bao nên chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận tăng từ 50 triệu đồng lên 55 triệu đồng/lứa. Ông Nghiêm Đình Đức, thôn Hòa Đông, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) cho biết “nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng” nhưng thời điểm này năm 2014, người nuôi heo như đứng ngồi trên đống lửa bởi giá thức ăn quá cao trong khi giá heo hơi trên thị trường quá thấp khiến nhiều nông dân phải bù lỗ hàng chục triệu đồng/lứa. Trước đây với giá heo hơi 40.000 đồng/kg, người nuôi mới chỉ huề vốn thì nay, với mức giá đó bà con đã có lời.

Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin đang chăm sóc đàn heo.
Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin đang chăm sóc đàn heo.

Bên cạnh đó, khi các công thức sản xuất TACN không còn là bí mật của các doanh nghiệp nữa thì bà con nông dân đã biết tự phối trộn thức ăn tinh với các sản phẩm nông nghiệp như ngô, lúa, sắn… để giảm chi phí sản xuất. Chị Phạm Thị Thúy, thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) cho biết, sẵn nghề làm đậu khuôn nên chăn nuôi heo là lợi thế của gia đình. Bên cạnh đó, vào mùa thu hoạch, chị lại đến các thôn, buôn xa để mua ngô, sắn, lúa về phơi khô, dự trữ trong kho để sơ chế cho heo ăn dần. Tuy chăn nuôi heo bằng thức ăn phối trộn thời gian kéo dài, trên 4 tháng/lứa nhưng người nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn, heo chắc hơn, ít bệnh nên chi phí đầu tư thấp, chỉ bằng 70% so với nuôi heo hoàn toàn bằng cám tổng hợp. Nhờ đó, đàn heo của gia đình luôn cho lãi từ 30 – 50%.

Bà Nguyễn Thị Hoa Quỳ, Trưởng phòng chăn nuôi, Sở NN – PTNT cho biết, chi phí chăn nuôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, giá thức ăn, thuốc thú y, công lao động, khấu hao chuồng trại, điện nước, giá quản lý… Giá TACN giảm là một cú hích lớn, tuy nhiên, để chăn nuôi thực sự mang lại hiệu quả thì bà con nông dân cần phải tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn như lựa chọn giống đạt chất lượng, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.