Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ giao khoán rừng ở Ban quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lak

09:15, 24/06/2015

Mấy năm trở lại đây, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lak nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với Ban quản lý (BQL) rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lak đã có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống từng bước được cải thiện.

Từ năm 2013 đến nay, BQL rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lak đã tiến hành giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 278 hộ dân ở 24 buôn thuộc 4 xã: Yang Tao, Dak Liêng, Bông Krang, Dak Phơi (huyện Lak). Theo đó, mỗi hộ bình quân nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 20 ha rừng, được chi trả tiền công theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể năm 2013, mỗi ha rừng giao khoán được trả 135 nghìn đồng/năm; năm 2014 lên 138 nghìn đồng/năm; năm 2015 270 nghìn đồng/năm. Ông Mai Đức Vĩnh, Phó Giám đốc BQL rừng trên cho biết, đơn vị được giao quản lý bảo vệ khoảng 10.200 ha rừng, trong đó có khoảng 6.000 ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, hằng năm, đơn vị đã tiến hành giao khoán cho các hộ dân để quản lý và bảo vệ, trong đó có thể hiện rõ quyền lợi và trách nhiệm của hộ nhận khoán. Các hộ nhận khoán sẽ tham gia tuần tra bảo vệ rừng theo sự phân công của cán bộ bảo vệ rừng.

Nhân viên BQL rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ  Lak  và hộ nhận khoán trước giờ tuần tra.
Nhân viên BQL rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lak và hộ nhận khoán trước giờ tuần tra.

Anh Y Đông Triết (trú ở buôn Jơn, xã Bông Krang) cho biết, gia đình anh có 6 khẩu nhưng chỉ có hơn 1 sào ruộng nước nên dù cố gắng làm thuê, làm mướn nữa cũng chỉ đủ ăn qua ngày, nghèo đói vẫn dai dẳng đeo đuổi gia đình anh, cho đến năm 2013, khi BQL rừng Hồ Lak có chính sách cho người dân vùng giáp ranh nhận khoán rừng, anh đứng ra làm thủ tục nhận khoán quản lý bảo vệ 20 ha rừng, nhờ đó, số tiền thu được hằng năm gia đình anh có thêm một khoản kha khá để trang trải cuộc sống.  Năm nay, các hộ nhận khoán rừng lại có thêm niềm vui  khi giá khoán quản lý bảo vệ rừng tăng gấp đôi so với năm 2013; với 20 ha rừng nhận khoán, mỗi năm anh Y Đông Triết có thu nhập 5,4 triệu đồng. “Trước đây khi chưa nhận khoán rừng, mình hay tụ tập bạn bè uống rượu nên phiền hà vợ con lắm, từ khi nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đến nay mình ít uống rượu để còn có sức mà đi rừng; vừa có sức khỏe lại có thêm tiền để lo cho gia đình”- Y Đông Triết tâm sự. Cạnh đó, hộ gia đình ông Y Dhưn Sruk cũng tham gia nhận khoán rừng, ông không giấu được sự phấn khởi: “ Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, đông con, thiếu đất sản xuất, từ khi có rừng nhận khoán đã góp phần tạo công ăn việc làm, có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình”.

Từ khi chính sách giao khoán rừng đi vào cuộc sống, áp lực trong công tác, quản lý bảo vệ rừng đối với BQL rừng Hồ Lak đã giảm rất nhiều. Điển hình như năm 2014, đơn vị này đã phát hiện và ngăn chặn 72 vụ vi phạm lâm luật, trong đó, chỉ có 2 vụ vận chuyển gỗ; số vụ còn lại liên quan đến các hành vi như mang cưa vào rừng, phát dọn, trồng tỉa trên nương rẫy cũ... nhưng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên không gây tác động, ảnh hưởng đến rừng. “Sống xung quanh vùng đệm rừng của đơn vị chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất và sống phụ thuộc rất nhiều vào rừng, nhờ nhận khoán mà một bộ phận người dân có thêm việc làm, thu nhập. Nhưng cái được lớn hơn của chính sách này là đã gắn được trách nhiệm, lợi ích của người dân vùng ven đối với công tác bảo vệ rừng”, ông Mai Đức Vĩnh cho biết thêm.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc