Multimedia Đọc Báo in

Lại "nóng" tình trạng phá cao su, cà phê để trồng tiêu ở huyện Cư M'gar

09:02, 29/06/2015

Những năm gần đây, do giá tiêu trên thị trường tăng cao nên người dân trong tỉnh đổ xô trồng loại cây này. Tại địa bàn huyện Cư M’gar, người dân còn sẵn sàng phá bỏ nhiều diện tích cây trồng đang cho thu nhập cao để đầu tư trồng tiêu.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng đột biến từ khoảng 3 năm trở lại đây. Chỉ riêng cuối năm 2014, toàn huyện có khoảng 2.000 ha thì đến nay đã tăng lên 2.400 ha tiêu, tập trung chủ yếu tại các xã Cư Suê, Ea Tar, Ea Kiết, Ea Kuêh, thị trấn Ea Pôk... Theo tính toán của ông Mười, giá tiêu năm 2014 là 170.000 - 180.000 đồng/kg và đến nay đã tăng lên 200.000 đồng/kg. Nếu chăm sóc tốt, mỗi héc-ta tiêu đạt khoảng 4 tấn thì người dân cũng thu lãi khoảng 700 triệu đồng, mức thu mà ít có loại cây trồng nào trên địa bàn đạt được. Chính vì được xem là loại cây trồng siêu lợi nhuận nên không ít bà con nông dân ồ ạt chạy đua theo cây tiêu. Tình trạng này đã phá vỡ quy hoạch, trong khi diện tích các loại cây trồng khác được xem là thế mạnh của vùng lại đang dần bị thu hẹp. Điều đáng nói là ở nhiều xã, đất thường xuyên ẩm thấp, hay có độ dốc cao, không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn xuống giống, dẫn đến tình trạng tiêu kém phát triển, sâu bệnh và chết. Chưa hết, thời gian gần đây, tại một số xã trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng người dân phá bỏ vườn cây đang cho thu nhập cao như cà phê, cao su, điều… để trồng tiêu. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có trên 100 ha cây trồng lâu năm bị phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu.

Gia đình ông Lại Quốc Huy ở buôn Tơng Lía, xã Ea Tar  (huyện Cư M’gar) đã chặt bỏ vườn cao su để trồng tiêu.
Gia đình ông Lại Quốc Huy ở buôn Tơng Lía, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã chặt bỏ vườn cao su để trồng tiêu.

Một trong những địa bàn có phong trào trồng tiêu sôi nổi nhất huyện phải kể đến xã Cư Suê. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, bên cạnh những diện tích tiêu mới được trồng xen canh thì có gần 20 ha cây trồng lâu năm bị người dân phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu. Ông Vũ Đức Dậu ở thôn 2, xã Cư Suê cho biết, do vườn cà phê 2 ha của ông đã bước sang giai đoạn già cỗi, kém năng suất nên ông đã phá bỏ để trồng tiêu. Theo ông Dậu, nếu phá bỏ vườn cà phê để tái canh thì cũng phải chờ 3 năm sau mới cho thu hoạch, trong khi giá cà phê những năm qua khá thấp và luôn bấp bênh, lợi nhuận thu về cao lắm cũng chỉ khoảng 200 triệu đồng/năm. Năm nay ông lấy hết vốn liếng của gia đình được 50 triệu đồng cộng với vay ngân hàng 100 triệu đồng để “đánh cược” với cây tiêu. Hy vọng đến khi tiêu cho thu hoạch, mức giá vẫn ổn định như những năm gần đây thì ông có thể thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm.

Thấy nhiều hộ dân trong xã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ tiêu, trong khi giá cao su ngày càng xuống thấp (hiện còn khoảng 6.000 đồng/kg mủ tươi) nên ông Lại Quốc Huy ở buôn Tơng Lía, xã Ea Tar đã quyết định chặt bỏ 3 ha cao su để chuyển đổi sang trồng tiêu. Ông Huy cho biết, năm ngoái giá mủ cao su xuống thấp (7.000 đồng/kg), mỗi héc-ta ông thu chỉ đủ trả tiền thuê nhân công cạo mủ và phân bón, tính ra không có lãi. Năm nay ông cố gắng đầu tư chăm sóc mong giá lên để kiếm chút lãi, ai ngờ giá cao su lại càng rớt thê thảm, tính ra lỗ khoảng 5 triệu đồng/ha. Bởi vậy, ông đã chặt bỏ ngọn cao su để tận dụng các gốc làm trụ trồng tiêu. Theo ước tính của ông Huy, nhờ tận dụng lại phần thân gốc để làm trụ tiêu nên chỉ phải đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha để mua giống tiêu, phân bón, thuốc trừ sâu.

Còn tại xã Ea Kuêh, từ đầu năm 2015 đến nay đã có 3 hộ phá bỏ trên 2 ha cao su để trồng tiêu. Dẫu rằng quyết định cắt bỏ cây cao su chuyển sang trồng tiêu cũng khiến các hộ dân không khỏi hoang mang, lo lắng vì số tiền đầu tư ban đầu lớn mà lợi nhuận thu về thì phải đợi 3 năm sau mới biết…

Theo ông Phạm Quang Mười, việc người dân chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu sẽ gây nhiều hệ lụy: Trước hết là mầm sâu bệnh từ cây trồng trước còn tiềm ẩn trong đất, có nguy cơ phát sinh và gây hại trên cây tiêu; khi người dân chặt bỏ cao su làm trụ trồng thì cây tiêu phát triển rất kém, ảnh hưởng xấu đến năng suất sau này. Nhiều vùng đất trồng cao su không thích hợp với cây tiêu, chất dinh dưỡng trong đất tại gốc cao su đã bị biến chất, nhiễm phèn, mặn; nếu bà con cứ trồng ồ ạt trồng tiêu như hiện nay thì rất dễ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa trong thời gian tới. Khi đó, giá tiêu có thể sẽ xuống thấp, và để trồng lại các loại cây khác cũng phải đợi một thời gian dài mới cho thu hoạch. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp huyện Cư M’gar đã không ngừng khuyến cáo người dân nên phát triển đa cây đa con, chú trọng những cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng từng vùng, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, hằng năm, Phòng NN-PTNT huyện cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh, mở các lớp tập huấn tại các xã, thị trấn nhằm giới thiệu, hướng dẫn bà con biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, triển khai các mô hình điểm về giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao để người dân ứng dụng…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc