Multimedia Đọc Báo in

Trần lãi suất - Thách thức từ thực tế

12:09, 26/06/2015
Để bảo đảm tính ổn định của thị trường tiền tệ, Nhà nước đã đưa ra một biên độ (một khoảng) lãi suất mà các ngân hàng thương mại được áp dụng trong hoạt động kinh doanh, hay còn gọi là trần lãi suất, hay lãi suất cơ bản.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam,  Chi nhánh Dak Lak.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Dak Lak.

Được xem là công cụ hành chính để Nhà nước điều hành, Chính phủ quy định mức lãi suất trần huy động được áp dụng đối với các khoản tiền gửi ngắn hạn ở mức 5,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho trần cho vay được quy định tại khoản 1, điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 là:  “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng” (tương đương lãi suất 13%/năm). Trong bối cảnh cơ chế thị trường chưa hoàn hảo, tình hình kinh tế vĩ mô chứa đựng nhiều bất ổn và đặc biệt là lãi suất tại Việt Nam đang gánh vác nhiều trọng trách như kỳ vọng kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp... thì sự can thiệp bằng công cụ hành chính như trên là hết sức cần thiết. Mặc dù vậy, diễn biến thực tế trên thị trường đang đặt ra một vấn đề là tại các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại, trần lãi suất đang bị xem như là “chiếc vòng kim cô” và họ phải tìm cách thoát khỏi sự kìm kẹp của quy định này. Đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn thừa nhận, để thu hút khách hàng gửi tiền, nhất là những khách hàng lớn, khách hàng lâu năm, ngân hàng vẫn phải “lách luật” bằng nhiều biện pháp khác nhau. “Công cụ” được ngân hàng sử dụng nhiều nhất là bên cạnh việc áp lãi  suất theo đúng quy định, khách hàng còn được hưởng thêm lãi suất từ quà tặng, các chương trình khuyến mãi… Nếu không có cơ chế linh hoạt thì khách hàng sẽ chuyển sang gửi ở ngân hàng khác hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác sinh lời nhiều hơn. Trong khi đó, có nhiều thời điểm, lãi suất cho vay đã vượt ra khỏi quy định của NHNN và có lúc lên đến trên 20%/năm, nhưng vẫn không có ngân hàng nào bị xử lý. Bởi ở những thời điểm đó, lạm phát tăng cao, doanh nghiệp, người dân cần tiền và suất thực tế là đã có sự thỏa thuận giữa ngân hàng và người đi vay. Thời gian gần đây, theo báo cáo của NHNN, lãi suất cho vay trung, dài hạn được áp dụng từ 7% đến 9%/năm, nhưng số doanh nghiệp thực tế được hưởng mức lãi suất này là không nhiều bởi khách hàng muốn vay vẫn phải thương lượng lãi suất với ngân hàng. Rõ ràng, vai trò của trần lãi suất đang rất mờ nhạt, thậm chí là lạc lõng với diễn biến thực tế của thị trường.

Về vấn đề này, mới đây, tại dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất vẫn giữ nguyên quy định lấy cơ sở để xác định trần lãi suất vay là lãi suất cơ bản, chỉ nới khung thêm 50%. Cụ thể: dự thảo luật sửa đổi quy định “trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Ngoài ra, trước thực tế diễn biến của thị trường, một số ý kiến cho rằng không nên đưa vấn đề lãi suất cơ bản vào Bộ Luật Dân sự mà nên đưa vào Luật Ngân hàng Nhà nước để việc điều chỉnh lãi suất được linh động, phù hợp với thị trường.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.