Multimedia Đọc Báo in

Phá bỏ rào cản về ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

10:34, 22/07/2015

Là ngành kinh tế chủ lực, có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng do những hạn chế về việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ (KHCN) nên sản phẩm của ngành Nông nghiệp (NN) các tỉnh Tây Nguyên chưa cao, khả năng cạnh tranh còn yếu.

Đó là thực trạng được nêu tại Hội thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng KHCN vào nông nghiệp vùng Tây Nguyên vừa được Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ Đắk Lắk tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào 10-7 vừa qua.

Các đại biểu cho rằng, sản xuất NN ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức sản xuất lạc hậu, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định. Không những vậy, công tác bảo quản, chế biến nông sản vẫn còn sơ sài, mang tính tự phát, phân tán trong dân, công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng hóa thấp. Đặc biệt, khâu chế biến nông sản còn khá đơn giản, sản phẩm đưa ra thị trường dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp. Một số loại nông sản mang lại giá trị cao như hồ tiêu, hạt điều, cao su, nhưng lại thiếu các cơ sở chế biến công nghiệp để tăng chất lượng hàng hóa. Chỉ một số ít sản phẩm (cà phê, tinh bột sắn) được chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Do đó giá trị kinh tế từ NN mang lại cho nông dân, doanh nghiệp (DN) và Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng, nên nhu cầu phát triển NN theo hướng tăng cường ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất và xây dựng các mô hình NN công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ càng trở nên cấp bách.

Ông Ngô Văn Sơn, thôn Mới, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin)  do thiếu kinh phí nên chỉ áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới  với 50% diện tích.
Ông Ngô Văn Sơn, thôn Mới, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) do thiếu kinh phí nên chỉ áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới với 50% diện tích.

Những hạn chế trên, theo lý giải của các chuyên gia, một phần là do các DN gặp khó khăn trong việc đầu tư nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đòi hỏi đầu tư một lượng vốn rất lớn, trong khi đó, các DN trong lĩnh vực NN phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp. Do công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao dẫn đến lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu những công nghệ mới hơn. Một số ý kiến cho rằng, DN còn đầu tư ít vào ngành NN có nguyên nhân là do chính sách đầu tư vào lĩnh vực này chưa có lợi cho chính họ. Trên thực tế, vẫn có tình trạng giống, phân bón, thiết bị có chất lượng kém dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và không minh bạch cho các DN làm ăn chân chính. Mặc khác, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng, thuế đất, thời gian thuê đất. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng chủ trì Hội thảo trên nhấn mạnh, các cơ quan nghiên cứu khoa học  cần hợp tác để chuyển giao những tiến bộ khoa học cho doanh nghiệp; đồng thời, sẽ có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho DN khi đầu tư vào NN gặp rủi ro về vấn đề bản quyền nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp.

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thì để thực hiện tái cơ cấu NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, ứng dụng sâu rộng KHCN, nhất là công nghệ sinh học, thông tin vào sản xuất, quản lý NN. Nhằm đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, ngày 8-7-2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch 4832/KH-UBND, thực hiện Chương trình số 45-CTr-TU, ngày 13-4-2015 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 97-KL/TW, ngày 15-5-2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 20%, kết quả dự án, đề tài KHCN ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất đạt 75%. Về giải pháp, địa phương sẽ tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ NNNT, Chương trình công nghệ sinh học, bảo tồn và phát triển nguồn gen; phát triển ứng dụng năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KHCN vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ứng phó với biến đổi khí hậu…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc