Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Buôn Hồ hiện đại, văn minh: Nhìn từ quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị

10:28, 24/07/2015

Sau khi được nâng cấp lên đô thị loại 4, bộ mặt của thị xã Buôn Hồ đã có những đổi thay đáng kể, trong đó công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật được chú trọng, góp phần  xây dựng Buôn Hồ trở thành đô thị hiện đại, văn minh.

Theo Phòng Quản lý đô thị thị xã, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội. Cụ thể, đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2025; từ năm 2009-2015, đã triển khai thực hiện lập 5 đồ án với tổng diện tích 1.777 ha, tỷ lệ phủ quy hoạch phân khu đạt 75,6%; thực hiện lập 15 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 481,2 ha, đạt tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết là 9,3%; quy hoạch nông thôn mới cho các xã trên cơ sở đã triển khai quy hoạch chi tiết trung tâm xã, các điểm dân cư làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư.  Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt, thị xã đã công bố và tiến hành cắm mốc quy hoạch, đồng thời chỉ đạo các xã, phường, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý sau quy hoạch, cấp phép xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt. 
Hoa viên được đầu tư xây dựng mang lại không gian xanh  cho đô thị Buôn Hồ.
Hoa viên được đầu tư xây dựng mang lại không gian xanh cho đô thị Buôn Hồ.

Để xây dựng, phát triển Buôn Hồ trở thành đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa các dân tộc Đắk Lắk - Tây Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về xây dựng, phát triển thị xã giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tập trung đầu tư xây dựng thị xã Buôn Hồ phát triển toàn diện, trở thành đô thị loại 3 trước năm 2020, với tinh thần huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của thị xã, đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, đầu tư hình thành các khu trung tâm cấp tiểu vùng như trung tâm thương mại, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ tài chính, vận tải, giáo dục đào tạo, dạy nghề, dịch vụ y tế, du lịch, thể dục thể thao… Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch tổng thể gắn với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực với tầm nhìn dài hạn, mang đặc trưng của bản sắc văn hóa Đắk Lắk - Tây Nguyên; có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn vốn phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng… để đến năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 77,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, quy mô dân số khoảng 150 ngàn người, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trên 10m2/người và hình thành khu đô thị hiện đại, phát triển toàn diện. Từng bước hiện thực Nghị quyết này, Đảng bộ và chính quyền địa phương đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho việc như quy hoạch và xây dựng các khu dân cư mới ở các phường như: An Lạc, An Bình, Đạt Hiếu, Thiện An. Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện mạng lưới điện, bưu chính viễn thông và hệ thống đường giao thông nội thị cũng như các vùng ngoại ô. Đến nay, chủ trương kêu gọi đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đang được Buôn Hồ xúc tiến mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực giao thông và điện chiếu sáng đô thị. Kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Giai đoạn 2010-2015, thị xã đã triển khai đầu tư xây dựng 66 công trình, hạng mục công trình (Trong đó có 21 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi và 28 công trình dân dụng) với tổng nguồn vốn 370 tỷ đồng, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 62 công trình. Hệ thống giao thông trên địa bàn thị xã ngày càng hoàn thiện, đã đầu tư mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa nhiều tuyến đường quan trọng; 100% tuyến đường từ trung tâm thị xã đến trung tâm các xã, phường, 47% các tuyến đường chính trung tâm nội thị và 65% các tuyến đường liên thôn, buôn, tổ dân phố được nhựa hóa. Bằng nguồn vốn tài trợ của Tổ chức KOICA (Hàn Quốc), hệ thống cấp nước sạch cho khu vực trung tâm thị xã đã được đầu tư xây dựng, mở rộng từ 2.400m3/ngày đêm lên 8.000 m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp cho 90% dân cư trung tâm đô thị được sử dụng nước sạch. Khu vực nông thôn được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo đảm 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống lưới điện được triển khai đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã, đến nay có 99,7% số hộ dân trong quy hoạch khu dân cư được dùng điện.

Những thành quả đạt được nói trên so với mục tiêu phấn đấu là những bước đi ban đầu, tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng tốc giai đoạn 2015-2020. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ngô Trung Việt chia sẻ, nhằm đưa kiến trúc đô thị Buôn Hồ hướng đến một môi trường bền vững, hiện đại, văn minh, địa phương đang nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách năng động và linh hoạt như: sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động mọi nguồn lực đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.