TP. Buôn Ma Thuột sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, kinh tế - xã hội của TP. Buôn Ma Thuột có những chuyển biến tích cực, hạ tầng đô thị đang được đầu tư xây dựng, góp phần làm tăng nguồn lực phát triển thành phố… Những kết quả bước đầu này là tiền đề để Buôn Ma Thuột tiếp tục có được sức bật mạnh mẽ trong quá trình xây dựng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Từ kết quả bước đầu
Thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị, ngày 11-6-2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020). Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, sự phát triển kinh - xã hội của thành phố đã từng bước đáp ứng yêu cầu gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện, nâng cao đời sống người dân, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Quy mô kinh tế năm 2015 ước tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 12,41%, tuy thấp hơn so với chỉ tiêu (16-17%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh. Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 10,67%, dịch vụ 15,83%, nông – lâm nghiệp 0,98%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đến cuối năm 2015 ước tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng 41,49%, dịch vụ 52,89%, nông lâm nghiệp 5,62%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53,4 triệu đồng/năm, tăng 25,4 triệu đồng so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 31.496 tỷ đồng, tăng trên 17.700 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2010... Về định hướng phát triển đô thị, Chính quyền thành phố cũng đang tập trung các giải pháp để đô thị phát triển bảo đảm tính đồng bộ, cân bằng, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và với xu hướng phát triển hệ thống đô thị trong cả nước; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu đô thị cũ, bảo tồn, tôn tạo các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các khu nhà vườn ven đô, gắn kết với địa hình tự nhiên, tạo không gian kiến trúc cảnh quan mang tính đặc thù vùng Tây Nguyên… Hiện nay, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 đã được phê duyệt và triển khai thực hiện, trong đó, thực hiện quy hoạch phân khu đạt 85,03% diện tích đất tự nhiên của nội thành, tăng 10,5% so với năm 2010, đạt 22,88% diện tích đất toàn thành phố. Tỷ lệ đô thị thi hóa đạt 65%, tỷ lệ hộ nghèo 0,9%, trong 5 năm đã tạo việc làm cho 55.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 2,3%.
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột. |
Còn đó những khó khăn
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 12, tình hình kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng gặp không ít khó khăn: Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, giảm đầu tư công, hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển, chính vì vậy, công tác đầu tư, xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo đó chịu nhiều tác động. Nhất là trong lĩnh vực đầu tư, một số công trình bị giãn tiến độ, nhiều quy hoạch không có vốn đầu tư để thực hiện, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện phát triển hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch. Trong 5 năm qua, kinh tế của thành phố phát triển nhưng chưa vững chắc, quy mô và chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá. Sự thiếu vững chắc ấy thể hiện ở một số lĩnh vực như: công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, sơ chế, nên giá trị gia tăng thấp; công nghiệp phụ trợ phát triển chậm, sản phẩm chủ lực còn ít chưa hình thành các cơ sở công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, là đô thị có nhiều tiềm năng về cảnh quan sinh thái, giàu truyền thống văn hóa của đa sắc tộc nhưng Buôn Ma Thuột lại chưa phát huy được thế mạnh này để đưa vào khai thác du lịch. Chính vì vậy, sản phẩm mới về du lịch không nhiều, điểm đến chưa lưu được khách… Ngoài ra, đối với công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch của thành phố cũng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, gây khó khăn cho đời sống người dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số công trình trọng điểm chậm, kéo dài đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đầu tư xây dựng đô thị. Công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, tài nguyên nước còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ dùng nước sạch trong khu vực nội thành đạt 90% và 22,9% hộ ngoại thành được sử dụng nước sạch. Chỉ tiêu đến năm 2015 là 100% hộ nội thành, 70% hộ ngoại thành được sử dụng nước sạch, nhưng như tình hình thực tế hiện nay, khó có thể đạt chỉ tiêu như kế hoạch đề ra.
Khu phố dọc theo đường Nguyễn Tất Thành được đầu tư, xây dựng với nhiều khoảng xanh. |
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như lộ trình mà Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy đã đề ra, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 35 (mở rộng) vào trung tuần tháng 7, đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo, trong giai đoạn 5 năm (2015-2020) tới đây, các ngành chức năng và chính quyền thành phố cần dồn sức, tập trung hơn nữa thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Trong đó, chú trọng huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên các lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư hình thành các khu du lịch trọng điểm của tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc