Xây dựng nông thôn mới: Nan giải các tiêu chí số 2, số 6
Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn Đắk Lắk mặc dù đã có những khởi sắc, tuy nhiên hành trình về đích vẫn còn gian nan vì nhiều tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... khó hoàn thành do thiếu vốn.
Vai trò doanh nghiệp còn mờ nhạt
Sau 4 năm triển khai Chương trình XDNTM, Đắk Lắk mới có 6 xã đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại, nhất là những xã điểm hầu hết bị vướng ở những tiêu chí cần nhiều vốn như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa do vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình XDNTM của Trung ương cho tỉnh còn ít so với nhu cầu. Với mức vốn 231 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ cho tỉnh trong giai đoạn 2014-2016 thì địa phương rất khó thực hiện được mục tiêu của Chương trình đến năm 2015 và 2020. Trong khi đó việc huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế, nhất là thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông thôn mới (NTM) rất khó khăn. Theo Ban chỉ đạo XDNTM huyện Krông Pắc, hiện tại huyện đã có 2 xã là Hòa Đông, Ea Kly đạt 19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên vẫn còn 13 xã gặp rất nhiều vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, nhất là một số tiêu chí nặng về vốn. Việc huy động nguồn lực từ nhân dân và các tổ chức, DN được đẩy mạnh, tuy nhiên, sự đóng góp cho XDNTM vẫn chủ yếu là nhân dân. Trong số trên 16 tỷ đồng do các địa phương huy động để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì các tổ chức, DN mới đóng góp được 840 triệu đồng, còn lại là của nhân dân, đó là chưa kể đến sự đóng góp về ngày công, hiến đất, phá bỏ tường rào... của người dân. Còn ở thị xã Buôn Hồ, đến nay mới có 2/5 xã đạt 16 tiêu chí, số xã đạt tiêu chí về giao thông chỉ có 1 xã; 3 xã đạt tiêu chí thủy lợi và không có xã nào đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2015, thị xã cũng đã huy động nhân dân tham gia, đóng góp để làm đường giao thông nông thôn, nạo vét đập thủy lợi..., với tổng số tiền gần 300 triệu đồng, trong đó DN đóng góp gần 53 triệu đồng. Theo Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhân dân và DN tham gia đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu NTM được 21 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vẫn là đóng góp của nhân dân (14 tỷ), còn các DN tham gia rất ít. Chưa có con số thống kê đầy đủ, toàn tỉnh mới có khoảng 15 DN tham gia vào phong trào này, đây là con số quá ít so với trên 6.000 DN lớn, nhỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguyên nhân do hoạt động của các DN gặp khó khăn, vẫn còn nhiều DN không quan tâm đến chương trình này.
Hội trường thôn 11, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) được Công ty TNHH MTV Cà phê 721 hỗ trợ xây dựng. |
Tập trung cho các tiêu chí đòi hỏi vốn lớn
Từ khó khăn về nguồn vốn kéo theo một số tiêu chí cần nguồn vốn lớn khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đơn cử, với tiêu chí số 2 (giao thông), toàn tỉnh có gần 10.000 km đường giao thông, trong đó đường xã và đường thôn, buôn chiếm gần 7.300 km. Trong số đó mới chỉ có 27,68% đường xã và 11,44% đường thôn, buôn được nhựa hóa và bê tông xi măng. Cá biệt có nhiều huyện tỷ lệ đường thôn, buôn được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa đạt rất thấp như huyện Krông Năng (3,95%), M'Đrắk (8,83%), Krông Ana (3,28%), Krông Pắc (5,85%)... Đây là thách thức không nhỏ của Chương trình DXNTM trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện tiêu chí số 2. Dù gặp nhiều thuận lợi do được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhưng với đặc điểm địa bàn rộng, khối lượng công trình giao thông phải thực hiện lớn, trong khi nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ có hạn đã gây không ít khó khăn cho tỉnh trong việc thực hiện tiêu chí này. Hiện nay, nếu thực hiện đúng theo Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, thì trên địa bàn Đắk Lắk, riêng tiêu chí số 2, nhiều xã điểm của tỉnh và huyện cũng không thể hoàn thành vào năm 2015. Đối với tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), gồm 2 nội dung: có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn, với 9 chỉ tiêu cần phải đạt bao gồm quy mô diện tích, trang thiết bị, nhân sự quản lý,…; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 6 chỉ tiêu phải đạt. Như vậy, cứ tính trung bình mỗi xã có 13 thôn, buôn, thì kinh phí đầu tư đã lên đến vài chục tỷ đồng… Đây cũng đang là rào cản lớn trong việc công nhận xã đạt chuẩn NTM của hầu hết các địa phương. Mặt khác, ngoài khó khăn trên thì một thực tế khác cũng cần xem xét, đó là sự lãng phí, vì qua khảo sát hoạt động của một số nhà văn hóa thôn, buôn đã xây dựng từ trước thì người dân chưa thể sử dụng hết công suất, hầu như để trống, ít hoạt động. Hiện nay, nhiều người dân và cán bộ cơ sở cũng lo ngại sự lãng phí khi xây dựng mỗi thôn, buôn 1 nhà văn hóa.
Theo Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, trong 9 xã (Hòa Thắng, Ea Blang, Ea Tul, Ea Kpam, Ea Ô, Quảng Điền, Hòa Hiệp, Ea Bar, Ea Toh) phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2015 vẫn chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí số 2, số 6 và phải cần hỗ trợ thêm trên 128 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí này. Do vậy Ban chỉ đạo tỉnh đang xem xét các giải pháp gỡ khó cho các xã điểm, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục huy động nguồn lực trong dân, nhất là từ các DN, để XDNTM trở thành phong trào của toàn dân, tiếp sức cho Chương trình XDNTM của tỉnh về đích đúng hẹn.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc