Xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm vẫn còn nhiều khó khăn
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 26.400 ha rừng, đất rừng bị người dân (chủ yếu là dân di cư ngoài kế hoạch) xâm hại, sử dụng trái phép. Địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi để phục hồi, trồng lại rừng, nhưng xem ra vẫn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.…
Rừng giao cho cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ ở xã Ea Sol bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. |
Triển khai Công văn 1960/ UBND-NNMT của UBND tỉnh, ngày 27-3-2015 về xử lý vi phạm liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, các địa phương đã tích cực rà soát, lên phương án, kế hoạch thu hồi. Tại huyện Cư M’gar, diện tích bị xâm hại chủ yếu thuộc 2 công ty lâm nghiệp quản lý là: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (1.594,1 ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (195,06 ha). Từ cuối năm 2014, Công ty LN Buôn Ja Wầm đã phối hợp với UBND xã Ea Kuêh và các ngành liên quan lập biên bản 12 đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ban hành 6 quyết định hành chính xử phạt và buộc trả lại đất rừng sang nhượng, chiếm giữ trái phép, nhưng các đối tượng không chấp hành, do vậy Công ty đang phối hợp với các cấp, ngành liên quan xem xét cưỡng chế thi hành. Còn tại huyện Ea Súp (một trong những địa phương khá phức tạp về tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép), UBND huyện cũng đã tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, trong đó đã vận động người dân xã Cư Kbang tự tháo dỡ 8 lán trại làm bằng gỗ, mái lợp bạt tổng diện tích 80 m2 làm trên đất lâm nghiệp; kiểm tra, xử lý 44 lán trại dựng trái pháp luật tại các tiểu khu 172, 182, 192, 196 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh quản lý, với tổng diện tích 572 m2. Tại huyện Ea Kar, trên 1.900 ha rừng bị lấn chiếm trái phép, chủ yếu thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, việc thu hồi cũng đang đối mặt với những khó khăn... Hiện UBND huyện mới chỉ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra diện tích rừng bị phá tại xã Cư Bông, xây dựng phương án xử lý, giải tỏa thí điểm sau đó rút kinh nghiệm, triển khai sang địa bàn khác…
Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh chỉ mới thu hồi được trên 827 ha đất rừng bị xâm hại, sử dụng trái phép để trồng lại rừng; việc xây dựng và thực hiện phương án xử lý giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật còn chậm so với yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 1960/UBND-NNMT. Nguyên nhân là do các chủ rừng, một số địa phương và ngành chức năng chưa thực hiện quyết liệt, hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc thống kê, lập phương án; việc phân loại hiện trạng thực tế, xác định đối tượng canh tác sử dụng đất lâm nghiệp trái phép chưa đầy đủ. Công tác giao khoán bảo vệ rừng có nơi vẫn còn mang tính hình thức, cho nên rừng tuy đã có chủ mà vẫn vị phá, khai thác, lấn chiếm trái phép. UBND cấp xã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng…
Để tiếp tục triển khai việc thu hồi đất rừng bị xâm hại, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn các chủ rừng thiết lập hồ sơ xử lý, xây dựng phương án di dời, cưỡng chế và phương án phục hồi lại rừng trên địa bàn, trong đó, UBND cấp huyện cần khẩn trương kiểm tra, thống kê, xây dựng phương án xử lý vi phạm, nhanh chóng phục hồi trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp đã thu hồi.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc