Multimedia Đọc Báo in

Bài học WTO vẫn còn đó

09:03, 16/10/2015
Vừa qua, Việt Nam đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được xem là một thành công nữa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Còn nhớ cách đây 8 năm khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự hào hứng cũng không kém thời điểm này. Việc gia nhập WTO đã giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và tạo làn sóng đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, khả năng cạnh tranh của DN trong nước lại ngày càng thụt lùi và có không ít DN đã bị xóa tên khỏi thương trường. Điều này đã thể hiện rất rõ đối với các DN thu mua, chế biến cà phê của Đắk Lắk. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, một dòng vốn lớn theo chân các DN rang xay, thu mua cà phê của nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường khiến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.

So với WTO, TPP hướng đến việc thiết lập một sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, không phân biệt nước phát triển hay nước đang phát triển, hoặc DN Nhà nước với DN tư nhân. Một điểm khác nữa là với WTO, các nước đang phát triển vẫn còn được hưởng một số ưu đãi trong thời gian đầu còn TPP thì không. Do vậy, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi cánh cửa vào thị trường nội địa sẽ phải được mở rộng hơn cho đối tác nước ngoài. Và chắc chắn các DN Việt Nam nếu không chuẩn bị trước sẽ không thể cạnh tranh được do hàng rào thuế quan không còn, dẫn đến chuyện dần thu hẹp quy mô, giảm thị phần hoặc bán cho nước ngoài và phá sản. Đối với địa phương chủ yếu là DN vừa và nhỏ như Đắk Lắk, nguy cơ này là hiện hữu.

Nhận biết được nguy cơ thì phải có biện pháp hóa giải. Biện pháp căn cơ nhất là cộng đồng DN của tỉnh phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Trong đó bên cạnh việc tăng cường nội lực thì liên kết cùng phát triển cũng là biện pháp hữu hiệu. Thế nhưng, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Đắk Lắk Dương Thanh Tương, hiện các DN của tỉnh vẫn đang mạnh ai nấy làm, thậm chí còn xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong tỉnh. Quả thật đáng lo, TPP được thông qua, dù còn phải trải qua quy trình lập pháp và phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn mới có hiệu lực (thường kéo dài ít nhất từ 1 năm rưỡi đến 2 năm), nhưng nếu ngay từ bây giờ DN không chuẩn bị bài bản, cơ quan quản lý Nhà nước không sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp thì sẽ là rất muộn. Hãy nhớ, bài học WTO vẫn còn đó.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.