Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

08:54, 16/10/2015
Trước đây, gia đình chị H’Gái Uông là một trong những hộ nông dân nghèo ở buôn Ja, xã Bông Krang (huyện Lắk). Cả gia đình có 5 miệng ăn, thu nhập chủ yếu chỉ trông vào 2 sào ruộng và tiền công làm thuê nên cuộc sống rất chật vật, thiếu thốn.

 Cuối năm 2008, thông qua Hội Nông dân xã Bông Krang, vợ chồng chị H’Gái đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi và đầu tư phân bón cho 2 sào lúa của gia đình. Từ nguồn vốn vay, chị mua 2 con bò về nuôi. Hằng ngày, chị chăm sóc bò, còn chồng tranh thủ đi làm thuê trang trải chi tiêu gia đình. Nhờ chị siêng vệ sinh chuồng trại, chịu khó tham gia lớp tập huấn học hỏi kỹ thuật chăn nuôi nên cặp bò lớn nhanh, sinh sản thêm được 2 con bê. Chỉ hơn 3 năm sau, chị bán 2 con bò, thu lãi được gần 25 triệu đồng, chị dùng số tiền trên trả nợ ngân hàng. Lúa cũng được chăm sóc tốt nên cho năng suất cao. Chưa dừng lại ở đó, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, chị H’Gái mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng nữa từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm dê về nuôi, đồng thời cùng với số tiền gia đình dành dụm được, chị đầu tư mua 2 sào đất rẫy để trồng cà phê. Hiện tại gia đình chị H’Gái có 14 con bò và dê với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, gia đình chị không những trả được nợ mà khi sản xuất mùa vụ gặp khó khăn, chị còn có vốn để xoay xở, có tiền để trang trải cuộc sống, sửa chữa lại nhà ở, mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình.

Mô hình chăn nuôi, sản xuất của chị H’Gái được Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã Bông Krang chọn làm điển hình tiêu biểu để giới thiệu cho các thành viên trong tổ đến tham quan, học tập.

Vy Thủy 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.