Multimedia Đọc Báo in

Nuôi cá chạch bùn - hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản

09:46, 27/10/2015

Chạch bùn là loại cá thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng, nhưng từ trước đến nay loại cá này chủ yếu được khai thác từ thiên nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao. Để đáp ứng nhu cầu về chạch bùn ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài nước, hình thức nuôi cá trong ao bằng thức ăn công nghiệp tại một số địa phương trong tỉnh đang mở ra nhiều kỳ vọng...

Cá chạch bùn còn được gọi là cá chạch sụn vì khi trưởng thành thì toàn bộ xương cá (kể cả xương đầu và xương sống) được chuyển hóa thành sụn, đồng thời rất giàu dinh dưỡng, có thể sử dụng làm thực phẩm tẩm bổ cho người già và trẻ nhỏ nên được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, thị trường cá chạch bùn rất rộng, không chỉ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Với giá bán thương phẩm dao động từ 90.000 – 120.000 đồng/kg nếu nuôi đúng kỹ thuật, 1 ha ao nuôi sẽ cho thu hoạch hơn 20 tấn cá chạch thương phẩm (2 vụ/năm), sau khi trừ chi phí, người dân có thể thu lãi trên 500 triệu đồng. Tuy có giá trị kinh tế cao như vậy nhưng cá chạch trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên chủ yếu ở các huyện Krông Ana, Lắk nên hiệu quả kinh tế thấp, chưa kể cá chạch bùn trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Trước đây, các thương lái có thể thu mua được 5-7 tạ cá/tuần thì bây giờ để mua được số đó phải cần đến một tháng.
Mô hình nuôi cá chạch bùn theo hướng công nghiệp  ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).
Mô hình nuôi cá chạch bùn theo hướng công nghiệp ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).

Nhằm nghiên cứu phương pháp nuôi mới theo hướng công nghiệp, đánh giá tính thích nghi, hiệu quả kinh tế để khuyến cáo nông dân nuôi trồng, phát triển kinh tế nông hộ, Chi cục Thủy sản đã triển khai các mô hình nuôi thử nghiệm cá chạch bùn thương phẩm bằng thức ăn viên tổng hợp tại các huyện Buôn Đôn, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột. Các mô hình đều được thực hiện với quy mô 250 m2 ao nuôi, thả nuôi 12.500 con giống (mật độ 50 con/m2). Sau 5 tháng nuôi trong ao xi măng (thay cho ao bùn như trước đây) và cho ăn bằng thức ăn viên tổng hợp, tỷ lệ cá sống đạt 80%, cá đạt trọng lượng trung bình 40g/con (25 con/kg), mức chi phí đầu tư mô hình trên 27 triệu đồng. Với giá bán từ 90.000-100.000 đồng/kg, các hộ thu về được 36 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 9 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Hoàng Quyển, thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn - người thực hiện mô hình - để nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao phải thực hiện vệ sinh ao nuôi, nguồn nước; khâu chọn cá giống, chăm sóc, thu hoạch cá… cần tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật, tuyệt đối không để cá lóc, cua lọt vào trong ao nuôi cá chạch bùn. Tại mô hình của hộ ông Đoàn Ngọc Đức, thôn Phước Lộc 3 (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), theo đánh giá của ông, cá chạch bùn có nhiều ưu điểm như chu kỳ nuôi ngắn, tăng trọng nhanh, sức đề kháng cao, thịt thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao…, đặc biệt nhờ nuôi trong ao xi măng nên tránh được các loại thiên địch có hại nên số lượng cá không bị thất thoát. Mặc dù mới thực hiện thí điểm nhưng mô hình nuôi cá chạch bùn của ông được nhiều hộ dân trên địa bàn xã đến hỏi mua cá và tham quan, học tập. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Ea Phê có tới 60-70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chưa thực sự phát triển do trước đây bà con chủ yếu phát triển các loại cá truyền thống, đầu ra bấp bênh nên chưa chú trọng đầu tư. Mô hình này cho thấy rất phù hợp với điều kiện của địa phương và có thể áp dụng, nhân rộng, giúp bà con tận dụng diện tích mặt nước và chân ruộng sẵn có để phát triển, tạo thu nhập ổn định.

Theo Chi cục Thủy sản, việc thực hiện thành công các mô hình không những góp phần chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, giúp người dân khai thác tối đa tiềm năng diện tích mặt nước, lao động nhàn rỗi mà còn mở hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện trên thị trường Đắk Lắk đã có Công ty TNHH Hải Âu (Nha Trang) đặt vấn thu mua chạch bùn với giá 90.000 đồng/kg để xuất khẩu. Thời gian tới, Chi cục sẽ khuyến cáo các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh tham gia sản xuất con giống để cung ứng cho người dân nhằm giảm giá thành và chủ động được con giống.

 Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.