Multimedia Đọc Báo in

Tạo nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo

08:58, 16/10/2015

Chủ động xây dựng các mô hình, câu lạc bo;, tích cực khai thác nguồn vốn hỗ trợ sản xuất là một trong những cách làm mà Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh triển khai trong thời gian qua để giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 Tham gia vào mô hình góp vốn xoay vòng “10+1” của thôn 14, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) từ những ngày đầu tiên, đến nay gia đình chị Lê Thị Lan là một trong những tấm gương điển hình trong việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn khi đông con, nhà lại không có đất sản xuất nên cả 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào số tiền 2 vợ chồng kiếm được nhờ đi làm thuê cho các hộ gia đình trong thôn. Tham gia vào mô hình “10+1”của chi hội phụ nữ thôn, chị Lan được ưu tiên vay 5 triệu đồng và mua 2 cặp heo giống. Nhờ chịu khó chăm sóc nên lứa heo con đầu tiên xuất chuồng chị đã trả được hết số tiền vay và lại được các chị em cho vay thêm 5 triệu đồng nữa để tiếp tục nhân rộng, phát triển đàn heo. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chỉ sau 3 năm, chị đã trả hết số nợ và còn dành dụm mua thêm được 5 sào đất để trồng cà phê, đến nay đã cho thu hoạch. Chị Lan tâm sự: “Tham gia vào chi hội phụ nữ thôn, tôi không những được các chị em ưu tiên cho vay vốn mà còn tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, tôi đã xay lúa, ngô, đậu nành rồi ủ men vi sinh làm thức ăn cho heo. Nguồn thức ăn này có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với cám công nghiệp mà giá thành lại rẻ nên tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư. Hiện nay, đàn heo luôn duy trì khoảng 10 con heo thịt, cùng với nguồn thu từ cà phê, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 70 triệu đồng”.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương chăm sóc vườn rau của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương chăm sóc vườn rau của gia đình.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai Hương (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) cũng một trong những điển hình phụ nữ nghèo vượt khó, làm kinh tế có hiệu quả. Chị Hương chia sẻ: “Tôi vốn có bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào số tiền công làm thuê hằng ngày của chồng, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Năm 2007, được sự động viên của chị em phụ nữ trong thôn, tôi tham gia vào tổ tiết kiệm của chi hội phụ nữ thôn Thành Công và được vay 7 triệu đồng để phát triển sản xuất. Có vốn, tôi đầu tư trồng rau sạch trên diện tích 500 m2 đất vườn, công việc không quá phức tạp, lại phù hợp với điều kiện sức khỏe, chỉ sau 1 năm, vườn rau cho thu nhập trên 30 triệu đồng, đã trừ chi phí. Năm 2014, tôi được các chị em trong chi hội tạo điều kiện cho vay thêm 28 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Nhờ vậy, đầu năm 2015, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”.

Chị Lê Thị Lan và chị Nguyễn Thị Mai Hương chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên, phụ nữ được Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh giúp đỡ phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống. Những năm qua, các cấp Hội luôn quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ chị em hội viên dưới mọi hình thức, trước hết là hỗ trợ vốn. Đến nay, Hội tín chấp, ủy thác với các ngân hàng, huy động nguồn vốn từ chương trình, dự án hơn 1.000 tỷ đồng giải quyết cho 55.945 lượt hộ vay. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên; vận động chị em có kinh tế khá giúp đỡ chị em nghèo về vốn, ngày công, con giống; thành lập hàng chục nghìn mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Heo đất”… để giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã giúp 10.026 hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, đồng thời tạo việc làm cho 7.470 chị.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm giúp hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất đã từng bước giúp hội viên thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.