Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư hạ tầng cơ sở các khu, điểm du lịch: Nhiều dự án còn "vướng" thủ tục pháp lý

14:46, 03/11/2015

Đoàn kiểm tra số 1928 của UBND tỉnh vừa tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, bên cạnh một số ít đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành tốt, có ý thức đầu tư, tôn tạo thì còn lại nhiều dự án đang bỏ ngỏ, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều hạng mục vẫn còn nằm trên giấy...

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch được coi là bước đệm quan trọng để thu hút du khách, nâng cao vị thế ngành “công nghiệp không khói” của địa phương. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, việc làm này của các nhà đầu tư vẫn chưa như mong đợi…
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk có một số dự án đã và đang triển khai như: Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam (Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam),  khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Lắk (Công ty TNHH Du lịch đường mòn Châu Á) đang tiến hành đầu tư xây dựng, khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur (thuộc Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê) đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư; 2 khu, điểm du lịch đang lập dự án mở rộng đầu tư tại huyện Buôn Đôn: Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (thuộc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk) và điểm du lịch thác Bảy Nhánh (Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn; điểm du lịch thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng) đang được hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục để xin chủ trương lập dự án đầu tư. Riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông xin gia hạn chủ trương lập dự án đầu tư đối với điểm du lịch thác Krông Kmar (huyện Krông Bông). Nhìn chung, ngoài một số chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng từng bước hoàn thiện các thủ tục như khảo sát, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, xây dựng cơ sở vật chất bước đầu như Khu du lịch Ko Tam, Trung tâm Du lịch Buôn Đôn thì hầu hết các điểm còn lại, chủ dự án khi tiến hành đầu tư đều không thực hiện đúng trình tự thủ tục nên việc giao, cho thuê đất chậm được phê duyệt. Có thể kể đến như Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur được UBND tỉnh cho phép Công ty Đặng Lê khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2010 nhưng hiện đơn vị này vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý đầu tư. Theo Đoàn kiểm tra 1928, mặc dù được các ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án, nhưng đơn vị này vẫn chưa trực tiếp gặp ngành chức năng để được hướng dẫn... Cũng theo Đoàn kiểm tra, Công ty Đặng Lê vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;  chủ yếu còn dựa vào tiềm năng thiên nhiên có sẵn để kinh doanh, đến thời điểm này công ty vẫn chưa đầu tư phát triển gì thêm ngoài một số công trình như bờ kè, lối đi…. Tương tự, điểm du lịch thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng) được giao cho DNTN Tâm Lộc quản lý, bảo vệ và khai thác từ năm 2014, đến nay, diện tích đất rừng và môi trường sinh thái rừng tại điểm du lịch này chưa bị tác động nhiều nhưng cảnh quan môi trường tại đây đang bị ô nhiễm nhiều từ rác thải, chất thải từ du lịch. Theo Ban Quản lý khu thác này thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác du lịch ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn do còn phải… chờ! Trên thực tế, thác Thủy Tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia từ ngày 3-3-2009, với tổng diện tích 30 ha (nằm trong diện tích quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Krông Năng). UBND tỉnh cũng đã có văn bản xin ý kiến của Bộ VH-TT-DL về quy hoạch, khoanh vùng để xây dựng dự án đầu tư, khai thác hoạt động kinh doanh du lịch khu vực thác nhưng đến nay, vẫn chưa được phúc  đáp.

Đoàn kiểm tra 1928 khảo sát, nắm tình hình hoạt động, đầu tư du lịch tại thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng).
Đoàn kiểm tra 1928 khảo sát, nắm tình hình hoạt động, đầu tư du lịch tại thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng).

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song do việc đầu tư chưa đúng tầm, còn nhỏ lẻ và manh mún từ phía các doanh nghiệp nên chưa thể khai thác hết thế mạnh của các khu, điểm du lịch. Thậm chí, một số DN chủ yếu dựa vào tiềm năng thiên nhiên có sẵn để duy trì hoạt động kinh doanh mà thiếu sự đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới… Bởi thế, nên trong số 10 khu, điểm du lịch của tỉnh (thuộc các huyện: Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Krông Năng, M’Đrắk và TP. Buôn Ma Thuột) được đánh giá là có nhiều tiềm năng và khá hấp dẫn để thu hút du khách nhưng chỉ có hai địa danh là Buôn Đôn và Lắk được nhiều khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong và  ngoài nước biết đến hơn cả.

Qua kiểm tra, Đoàn đã yêu cầu nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai thực hiện dự án đầu tư du lịch cũng như mở thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn để thu hút khách. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển du khách đến các điểm tham quan như thác Bảy Nhánh, Cầu treo - Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch Hồ Lắk, thác Dray Nur, Thủy Tiên…, và sớm có biện pháp khắc phục, điều chỉnh dòng nước sông Sêrêpốk, nơi chảy qua điểm du lịch thác Bảy Nhánh, điểm du lịch cầu treo… đang  bị tác động tiêu cực từ việc đầu tư các công trình thủy điện ở thượng nguồn.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc