Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân huyện Ea Kar: Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

13:42, 16/11/2015

Linh hoạt trong công tác phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập các mô hình, vận động giúp nhau về vốn, giống, phân bón, ngày công; thành lập câu lạc bộ khuyến nông, hợp tác xã nông nghiệp… là những cách làm thiết thực của Hội Nông dân (HND) huyện Ea Kar nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi.

Sau khi được tham dự hội thảo trồng cây ca cao dưới tán điều do HND xã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, anh Đặng Văn Chung ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút) mạnh dạn thử nghiệm mô hình này. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến năm 2007 gia đình anh đã trồng xen canh thành công 1.000 cây ca cao trong vườn điều rộng 3 ha và hiện ca cao đã cho thu hoạch với sản lượng 1 tấn hạt khô/năm. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh Chung chia sẻ: “Làm nông nghiệp nhiều rủi ro lắm. Do vậy, song song với việc phát triển trồng trọt, người nông dân cần chăn nuôi thêm để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế”. Trước khi bắt tay vào thực hiện, anh đã tham khảo các mô hình của nông dân trên địa bàn và quyết định chọn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi 20 con heo nái và hàng trăm heo thịt nhằm tận dụng nguồn cám gạo từ 3,5 sào lúa. Đồng thời, phế phẩm chăn nuôi sau khi được xử lý qua hệ thống biogas dùng để thắp sáng, nấu nướng và ủ với vỏ cà phê thành phân vi sinh bón cho cây trồng, giúp giảm 30% chi phí đầu tư. Nhờ vậy, trang trại tổng hợp của gia đình anh đã đem lại lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. Mô hình trồng xen canh cây ca cao dưới tán điều của gia đình anh Chung đã được HND xã chọn làm điểm để tổ chức cho hội viên tham quan học tập và nhân rộng. Đến nay, 80% diện tích trồng điều (khoảng 220 ha) của xã đã được trồng xen cây ca cao.

Ông Lê Như Phúc (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm xây dựng trang trại đa cây, đa con.
Ông Lê Như Phúc (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm xây dựng trang trại đa cây, đa con.

Gắn bó với cây cà phê từ năm 1995, ông Lê Như Phúc ở thôn 9 (thị trấn Ea Kar) nhận thấy loại cây trồng này mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao do giá cả luôn biến động nên đã tính toán để quy hoạch lại trang trại. Từ các lớp hội thảo, tập huấn của HND về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông quyết định chuyển đổi dần diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng 500 trụ tiêu; cưa ghép, cải tạo lại 600 cây cà phê. Để tăng hiệu quả kinh tế, ông trồng xen cây keo vừa che bóng cho cà phê, giữ độ ẩm cho đất, vừa làm trụ tiêu; đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo nái, heo thịt và gà thịt. Từ chỗ độc canh cây cà phê, ông đã phát triển trang trại đa cây, đa con, tận dụng nguồn phân chuồng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng giúp giảm chi phí đầu tư, hạn chế sâu bệnh, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.

Trên đây là 2 trong số hàng trăm hội viên nông dân của huyện Ea Kar thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Với lực lượng đông đảo (20.505 hội viên, chiếm 79,2% số hộ nông nghiệp trên địa bàn) HND huyện Ea Kar luôn xác định vai trò tiên phong của mình trong việc tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình điểm giúp hội viên thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý. Hội đã chủ động phối hợp với các trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật của huyện và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng xây dựng, phát hiện những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, gương nông dân điển hình tiên tiến để tuyên truyền, giới thiệu cho hội viên học tập, áp dụng; đồng thời, tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình trồng tiêu, bơ cao sản, cỏ nuôi bò, ghép cải tạo vườn cà phê, xen canh cây ăn quả, chăn nuôi nhím, bò sinh sản, gà thả vườn, heo siêu nạc… ở các địa phương trong tỉnh. Nắm bắt khó khăn lớn nhất của hội viên là vốn đầu tư, Hội đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tổng dư nợ trên 104 tỷ đồng cho 7.795 lượt hội viên vay, chủ động xây dựng quỹ chi hội, Quỹ “Hỗ trợ nông dân” được 211,8 tỷ đồng, tín chấp với các công ty, doanh nghiệp cho nông dân mua cây, con giống, phân bón trả chậm, vận động hội viên có kinh tế khá giúp hội viên nghèo về vốn, vật tư sản xuất… Ngoài ra, các cấp Hội còn xây dựng, duy trì 84 câu lạc bộ khuyến nông, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và 85 trang trại nhằm liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Những diện tích cây trồng kém hiệu quả, các cấp Hội vận động nông dân chuyển đổi sang chăn nuôi hoặc cải tạo đất trồng các giống mới, trồng xen canh nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Qua đó, đã góp phần động viên, khích lệ hội viên phát huy được nội lực, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, khai thác tiềm năng đất đai, thế mạnh của địa phương, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, đến năm 2015 có 6.648 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với mức thu nhập từ 50 triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm; 1.804 hộ hội viên được giúp thoát nghèo.

Ông Dương Văn Thừa, Chủ tịch HND huyện khẳng định, việc giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vậy nuôi hợp lý, hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng đa cây, đa con, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Nông dân không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mình mà còn đóng góp tiền và ngày công nâng cấp đường giao thông nông thôn, sửa chữa cầu, kênh mương, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa… góp phần củng cố tổ chức Hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.