Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng gạch không nung trong công trình xây dựng không cao - Vì sao?

09:38, 17/11/2015

Mặc dù có nhiều ưu điểm so với gạch nung (GN) truyền thống và Nhà nước cũng có cơ chế khuyến khích, nhưng thời gian qua, việc sử dụng gạch không nung (GKN) theo công nghệ hiện đại trong ngành xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế…

GKN được sản xuất từ những nguyên liệu đơn giản: xi măng, khoáng silicat, chất phụ gia, chất thải công nghiệp khác… bằng công nghệ mới hiện đại, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu lực, chịu nhiệt tốt, độ bền cao, tạo bước đi hoàn toàn mới trong ngành xây dựng. Theo quy trình sản xuất, loại gạch này không qua nung, sấy, sau khi sản xuất trong vòng 5-7 ngày có thể sử dụng được. Ngoài ra, sử dụng GKN giảm thiểu kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vữa xây, hạ giá thành so với gạch nung. Hình dáng và kích thước sản phẩm và các tính chất cơ lý tính vẫn tương tự gạch đất sét nung truyền thống, không thay đổi tập quán sử dụng của người dân. Đặc biệt với sản phẩm này, trong quá trình xây có thể dán các viên gạch lại với nhau bằng một ít nước xi-măng thay vì trộn hồ nên vừa giảm chi phí, vừa giảm thời gian xây. Không chỉ có ưu điểm trong xây dựng, gạch không nung còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường như xử lý các chất thải rắn trong công nghiệp, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời, bảo vệ nguồn nước ngầm do khai thác đất sét để sản xuất GN.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH xây dựng Đại Tín.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH xây dựng Đại Tín.

Nhằm khuyến khích sản xuất, sử dụng GKN, ngày 28 – 11 - 2012, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng GKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, từ ngày 15 – 1 – 2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng vốn ngân sách phải sử dụng GKN, cụ thể tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% GKN, các khu vực còn lại tối thiểu 50% đến hết năm 2015, sau 2015 phải sử dụng 100%. Đối với Đắk Lắk, từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất, sử dụng GKN thay thế GN đến năm 2020, với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Theo đó, đến năm 2020 sản xuất và sử dụng GKN như gạch xi măng - cốt liệu, bê tông khí chưng áp, bê tông bọt, gạch đá ong… đạt 25 – 30%; hằng năm sử dụng 300.000 – 350.000 tấn phế thải công nghiệp để sản xuất GKN. Ngày 14-5-2014, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-UBND về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng GN. Theo đó, ưu tiên các nhà máy sản xuất vật liệu sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, ít ô nhiễm môi trường và tận dụng các phế thải công nghiệp; chấn chỉnh, sắp xếp và tạo điều kiện để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp, kết hợp với chuyển đổi công nghệ thiết bị.  Tỉnh sẽ có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ dự án công suất từ 7 triệu viên GKN/năm trở lên…

Sắp xếp sản phẩm gạch không nung tại một cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.
Sắp xếp sản phẩm gạch không nung tại một cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk có nguồn nguyên liệu để sản xuất GKN khá phong phú với trữ lượng mạt đá trong khai thác, chế biến đá xây dựng 0,5 – 0,7 triệu m3/năm và nhiều mỏ đá puzơlan có thể sản xuất 300 – 350 triệu viên GKN/năm. Vì vậy, tại địa phương đã có một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất GKN, trong đó, nhà máy của Công ty TNHH xây dựng Đại Tín tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) là cơ sở sản xuất GKN có quy mô lớn nhất ở Tây Nguyên, với công suất 25 triệu viên/năm theo công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Hữu Sinh, Giám đốc công ty cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm GKN rất khó khăn, hiện công ty còn tồn kho 10 triệu viên gạch chưa bán được. Nguyên nhân của tình trạng này là giá GKN vẫn cao hơn so với gạch nung khoảng 5% (do kích thước lớn hơn và chi phí sản xuất cao hơn), bên cạnh đó, các chủ đầu tư công trình bằng vốn ngân sách vẫn chưa sử dụng GKN đúng tỷ lệ quy định; đồng thời, lộ trình xóa bỏ lò GN đất sét vẫn không được thực hiện triệt để, sản phẩm GN còn rất nhiều, nên các cơ sở sản xuất liên tục giảm giá bán. Hiện nay, người dân sử dụng GKN chủ yếu để xây tường rào, sân chứ chưa dùng để làm các công trình lớn như nhà ở, công xưởng… vì cho rằng chất lượng, độ bền của vật liệu này chưa được kiểm chứng bằng thực tế các công trình. Theo giới kiến trúc sư, về khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu lực thì GKN cao hơn so với gạch nung; đồng thời, tính tổng thể thì GKN cũng có lợi về kinh tế do kích thước đạt chuẩn của Bộ Xây dựng (to hơn các loại GN hiện có trên thị trường) nên lượng vật liệu, thời gian thi công ít hơn. Theo Sở Xây dựng Đắk Lắk, nguyên nhân khiến việc sử dụng GKN vẫn chưa phổ biến là do thời gian qua số lượng công trình xây dựng có vốn ngân sách được khởi công mới không nhiều, bên cạnh đó, người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng vật liệu này. Để tăng tỷ lệ sử dụng GKN vào xây dựng, khi thẩm tra hồ sơ thiết kế công trình, Sở đã yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đưa vật liệu GKN vào hồ sơ thiết kế; bổ sung giá GKN vào bảng công bố giá vật tư, vật liệu hằng tháng; thông báo đến các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu áp dụng định mức dự toán phần xây dựng bổ sung của Bộ Xây dựng và bộ đơn giá phần xây dựng bổ sung của UBND tỉnh…

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc