Multimedia Đọc Báo in

Thương mại, dịch vụ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu

09:59, 25/11/2015

Những năm qua, các loại hình thương mại, dịch vụ hàng hóa ở khu vực nông thôn không ngừng được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện tích cực để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê nghèo, nhất và các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Về Cư Đrăm (huyện Krông Bông) hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận được diện mạo mới đầy năng động của một xã vùng sâu. Trái với hình ảnh vắng vẻ, đìu hiu gần 10 năm trước, chợ trung tâm xã Cư Đrăm đã phát triển khá sầm uất với hàng trăm ki ốt, quầy sạp kinh doanh đủ loại mặt hàng. Khu vực bên ngoài chợ còn có khoảng 80 điểm kinh doanh khác nhau, từ dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát, đến sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, máy nông nghiệp, kinh doanh vận tải, đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng may mặc… Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết, điểm thuận lợi của chợ Cư Đrăm là nằm ngay trung tâm 3 xã vùng sâu: Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao. Hạ tầng giao thông của xã được đầu tư nhựa hóa kiên cố và khá đồng bộ, tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại nông thôn và cũng giữ vị trí đầu mối giao thương hàng hóa của người dân các xã lân cận. Từ đó, các dịch vụ kinh doanh buôn bán trên địa bàn cũng trở nên sôi nổi, tác động tích cực đến hoạt động kinh tế chung của cả xã. Từ một xã nghèo và khó khăn về nguồn thu, Cư Đrăm đã trở thành một trong những địa bàn luôn hoàn thành thu ngân sách sớm nhất trong huyện. Điển hình chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn xã đạt 104% kế hoạch năm, trong đó, số thu từ thương mại, dịch vụ là chủ yếu.

Các điểm kinh doanh, buôn bán tại trung tâm xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) khá sầm uất.
Các điểm kinh doanh, buôn bán tại trung tâm xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) khá sầm uất.

Ia Lốp là xã biên giới, cách trung tâm huyện Ea Súp khoảng 50 km. Khoảng 10 năm trở về trước, đời sống kinh tế của người dân nơi đây vô cùng khó khăn vất vả. Do thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên việc sản xuất nông nghiệp kém phát triển. Những năm gần đây, nhờ hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển nên người dân nơi đây cũng thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, giải quyết được vấn đề việc làm. Theo thống kê, toàn xã hiện có 96 hộ kinh doanh với đầy đủ các mặt hàng từ tạp hóa, đồ điện tử gia dụng, đến các cửa hàng sửa chữa máy móc nông nghiệp, điểm thu mua nông sản… Ngoài ra, hằng ngày, các tư thương bên ngoài cũng thường xuyên chở các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm… vào buôn bán, trao đổi, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Anh Nguyễn Thế Trường ở thôn Đoàn cho biết, trước đây mỗi khi người dân trong xã muốn mua sắm các loại thiết bị sinh hoạt gia đình đều phải đánh xe máy cày ra ngoài huyện. Khi đó đường sá đi lại rất vất vả, có khi đi cả buổi mới ra đến trung tâm huyện. Nhưng ngày nay chỉ cần ra trung tâm xã là có hết. Hàng hóa vừa phong phú, giá cả hợp lý nên người dân không cần phải ra huyện nữa. Việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đầu tư sản xuất cũng được các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn cung ứng tận nơi. Bên cạnh đó, họ còn phối hợp với UBND xã, cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho người dân về kỹ thuật sản xuất, cách sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho hiệu quả… Từ đó, năng suất cây trồng của người dân cũng ngày một tăng cao. Vụ hè thu năm nay, năng suất lúa đạt trung bình từ 4-5 tấn/ha, ngô đạt từ 8-10 tấn/ha… Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn khoảng 80% thì đến nay chỉ còn trên 60% số dân trong xã, bình quân mỗi năm giảm trên 3%.

Một góc chợ trung tâm xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).
Một góc chợ trung tâm xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).

Bà Phạm Thị Bích Nguyên, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, ngày nay các loại hàng hóa chất lượng, hàng trong nước sản xuất, đều đã đến được với các chợ, trung tâm buôn bán ở vùng sâu, vùng xa. Giao thông tương đối thuận lợi giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo bà Nguyên, để chợ nông thôn phát huy được tác dụng, đồng thời đạt tiêu chí nông thôn mới, Sở Công thương đang phối hợp các sở, ngành và địa phương tăng cường kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa, lấy chợ nuôi chợ. Đồng thời, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ, điểm kinh doanh buôn bán khu vực nông thôn; lồng ghép các dự án đầu tư của tỉnh vào xây dựng chợ nông thôn, phát triển ngày càng đa dạng các loại hình thương mại - dịch vụ ở nông thôn.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc