Multimedia Đọc Báo in

Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây cà phê: Còn nhiều thách thức

08:53, 02/12/2015

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino đang làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực Tây Nguyên. Để đối phó với tình hình này, nhất là giải quyết nước tưới cho cây cà phê thì việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là giải pháp có tính đột phá, tuy nhiên để chuyển đổi phương pháp tưới cho người nông dân vẫn còn là một thách thức lớn.

80% diện tích cà phê đang không chủ động được nước tưới

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, hạn hán vẫn tiếp tục xảy ra trong năm 2016 do ảnh hưởng của El Nino. Hơn nữa việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm trong những năm qua đã làm suy thoái nguồn nước nghiêm trọng, nhất là vùng Tây Nguyên. Trong khi đó, ngành cà phê đang có tốc độ phát triển khá nhanh. Theo quy hoạch phát triển của Bộ NN - PTNT, đến năm 2020, Tây Nguyên giảm diện tích cà phê xuống còn 447.000 ha. Trong khi đó, diện tích cà phê vùng Tây Nguyên hiện nay đã vượt hơn 100.000 ha. Việc phát triển cà phê không theo quy hoạch đã ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, diện tích cà phê được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ được khoảng 20%, như vậy còn đến 80% diện tích không chủ động được nước tưới. Riêng Đắk Lắk hiện có diện tích cà phê nhiều nhất cả nước, với trên 203 nghìn héc-ta, trong đó có khoảng 180 nghìn héc-ta kinh doanh. Diện tích cà phê được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ trên 46.000 ha, diện tích còn lại tưới bằng nguồn nước suối, giếng đào, giếng khoan và hiện đang đối mặt thiếu nước ngầm và chi phí sản xuất cao. Đáng lo ngại hơn, do lượng mưa ít nên phần lớn các công trình thủy lợi đang trong tình trạng không tích đủ nước phục vụ tưới dẫn đến diện tích bị hạn ngày càng tăng lên. Năm 2014, toàn tỉnh có gần 40.000 ha cà phê thiếu nước tưới, trong đó nhiều diện tích bị mất trắng.

Mô hình hệ thống nước tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước của WASI được giới thiệu tại hội thảo  về áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.
Mô hình hệ thống nước tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước của WASI được giới thiệu tại hội thảo về áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước tưới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay cần có các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong việc quản lý nước tưới, đặc biệt là việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng nước tưới cho cây cà phê một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Theo số liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), người trồng cà phê ở Tây Nguyên thường tưới cho cà phê lượng nước từ 401-600 lít/cây/lần chiếm gần 60%, từ 601-800 lít chiếm 21,5%; phương pháp tưới dí gốc chiếm 76,4%, tưới phun mưa chiếm 16,8%, tưới tràn chiếm 6,8%. Như vậy, sản xuất cà phê ở Tây Nguyên có xu hướng tưới thừa so với lượng khuyến cáo kỹ thuật và trên thực tế tưới tiết kiệm vẫn chậm được áp dụng. Nguyên nhân là do cách tiếp cận chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; thông tin tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo còn thiếu và yếu; chi phí ban đầu đối với công nghệ tưới tiên tiến còn cao… dẫn đến người dân chưa mạnh dạn áp dụng.

Tìm giải pháp nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước

Công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trên thế giới từ lâu và ở Việt Nam từ hơn 20 năm qua. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy năng suất tăng từ 10 - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20 - 50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 - 40%. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng WASI cho biết, thời gian qua Viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê. Hệ thống này được lắp đặt đơn giản, giá chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha (tùy vật liệu); lượng nước tưới được phân phối trực tiếp đến từng cây 60 – 80 lít/giờ/gốc, thời gian tưới chỉ cần tối đa 4 – 5 giờ là đủ lượng nước cho cây ra hoa hiệu quả và tập trung. Ngoài ra, việc kết hợp bón phân qua nước cho phép cung cấp dinh dưỡng đều đặn và chủ động, tăng hiệu quả sử dụng và giảm ô nhiễm môi trường. Theo kết quả thử nghiệm tại nhiều vườn cà phê, các mô hình tiết kiệm hơn 20% lượng nước tưới và lượng phân bón, tiết kiệm được 15 triệu đồng/ha và cây vẫn phát triển tốt, không bị ảnh hưởng tới năng suất. Còn theo Tiến sĩ Dave D’haeze, Công ty TNHH Tư vấn cà phê – EDE, Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn, bởi cây cà phê chỉ cần đủ nước để kích thích hoa nở trong các tháng mùa khô, với khoảng 400 lít/cây/lần tưới và kết quả này đã được kiểm chứng thành công qua các mô hình trình diễn tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng. Chỉ bằng cách tưới rất đơn giản là bơm nước vào thùng phi 400 lít và căn thời gian nước đầy thùng phi là khoảng bao nhiêu phút, sau đó áp dụng lại khoảng thời gian này đối với cây cà phê. Nếu biện pháp tưới nước tiết kiệm này được áp dụng phổ biến ở những vùng trồng cà phê của Tây Nguyên thì sẽ tiết kiệm được 1 tỷ mét khối nước. Vấn đề cần phải làm là đưa ra các khuyến cáo chính thức bằng văn bản về phương pháp tưới tiết kiệm để tuyên truyền cho người dân biết.

Tưới cà phê theo phương pháp truyền thống của nông dân huyện Buôn Đôn.
Tưới cà phê theo phương pháp truyền thống của nông dân huyện Buôn Đôn.

Rõ ràng việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất cà phê có nhiều ưu điểm nổi trội so với tưới truyền thống, nhưng chuyển đổi công nghệ tưới đối với bà con nông dân là một thách thức không nhỏ. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu cho rằng, khi chuyển đổi qua một công nghệ khác bắt buộc người nông dân phải đầu tư thêm 20-40 triệu đồng/ha. Nhưng người nông dân chưa đủ niềm tin, họ phải thấy mô hình để đối chứng về năng suất, chất lượng thì mới mạnh dạn đầu tư. Để phổ biến công nghệ này, cần xây dựng nhiều mô hình tưới để người dân tham quan, khi đã có niềm tin, nếu công nghệ này thực sự hiệu quả thì họ sẽ tự nguyện đầu tư. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, để phát triển ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện rộng cần nghiên cứu các giải pháp tích hợp, hoàn thiện công nghệ, thiết bị nhằm giảm giá thành đầu tư; có các giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước…

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.