Multimedia Đọc Báo in

Hành trình 5 năm xây dựng nông thôn mới

10:47, 31/12/2016

Khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hầu hết các xã trong tỉnh đều ở xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung toàn quốc, bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 tiêu chí/xã. Nhiều xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện nghèo, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí. Vượt qua những khó khăn thách thức đó, sau 5 năm thực hiện, chương trình XDNTM của Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nỗ lực vượt khó

Ngay khi bắt tay XDNTM, đặc điểm nổi bật của các xã ở Đắk Lắk là đều có những hạn chế như: trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn thấp, tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn nặng nề. Toàn tỉnh có 152 xã thực hiện XDNTM nhưng mới có 3 xã đạt từ 10-12 tiêu chí; 51 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 tiêu chí/xã, thậm chí nhiều xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện nghèo, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí.

Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.
Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.

Trước những khó khăn trên, Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh xác định công tác tuyên truyền, vận động phải đi đầu và thường xuyên trong suốt quá trình XDNTM. Theo đó, cùng với các văn bản chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh đã tổ chức phát động phong trào thi đua chung sức XDNTM rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Thông qua đó đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tham gia thực hiện XDNTM. Rất nhiều địa phương thực hiện hiệu quả công tác này khi thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và những chính sách hỗ trợ “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò làm chủ trong XDNTM. Tại huyện Ea Kar, ngay từ khi bước vào triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo XDNTM huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú. Nhiều xã đã có những cách làm hay, thu hút nguồn lực phù hợp nên đã huy động được sự tham gia đóng góp của người dân và cả cộng đồng. Kết quả, sau 5 năm thực hiện chương trình, kết cấu hạ tầng thiết yếu của các xã đã được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh, trong đó nhân dân đóng góp 152,1 tỷ đồng. Hay tại huyện Krông Pắc, địa phương đã có cơ chế hỗ trợ các xã bê tông hóa đường giao thông, như hỗ trợ 30% tổng chi phí, hỗ trợ theo thôn người Kinh, thôn có trên 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số… nên đã thúc đẩy được phong trào thi đua XDNTM trên địa bàn huyện… Ban điều phối XDNTM tỉnh cho biết, bên cạnh tập trung cho công tác truyền thông thì các địa phương đều thực hiện chương trình theo hướng chọn tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án khác để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân… Từ cách làm này, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân về XDNTM, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia. Bộ máy tổ chức về công tác nông thôn mới các cấp thường xuyên kiện toàn, đi vào hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Điều quan trọng là sau 5 năm thực hiện, “hình hài” nông thôn mới đã trở nên rõ nét hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đang lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn, 40 xã đạt 13-18 tiêu chí; 34 xã đạt 10-12 tiêu chí, 62 xã đạt 5-9 tiêu chí; 6 xã đạt 3-4 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 10,43 tiêu chí/xã, tăng 7,09 tiêu chí so với năm 2011, cao hơn bình quân vùng Tây Nguyên (vùng Tây Nguyên là 10,4 tiêu chí/xã, tăng 6,9 tiêu chí so với 2011), đây cũng là một chỉ số đánh giá sự nỗ lực cố gắng lớn của tỉnh Đắk Lắk.

Nhiều nút thắt được tháo gỡ

Vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu, sau 5 năm thực hiện, nhiều tiêu chí khó đã lần lượt cán đích, vùng nông thôn của Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc, nhất là về hệ thống hạ tầng thiết yếu. Điều thay đổi rõ ràng nhất là giao thông nông thôn; nếu năm 2010, hệ thống đường giao thông nông thôn ở các xã còn rất kém, chủ yếu là đường đất và không có xã nào đạt tiêu chí về giao thông thì đến nay đường xã, liên xã đã nhựa hóa và bê tông xi măng được 950 km, chiếm 29,5%; đường thôn buôn đã nhựa hóa và bê tông xi măng 982 km chiếm 23,4%; đường ngõ, xóm đã cứng hóa 1.235 km, chiếm 28,7% và đường nội đồng đã cứng hóa  890 km, chiếm 29,8%. Đây được xác định là tiêu chí rất khó thực hiện vì cần nguồn vốn lớn, nhưng nhiều địa phương đã huy động tốt nguồn lực trong dân để hoàn thành tiêu chí này, đến nay toàn tỉnh đã có 13 xã đạt tiêu chí về giao thông, đạt tỷ lệ 8,6%. Theo Ban chỉ đạo XDNTM TP. Buôn Ma Thuột, mặc dù các xã của thành phố gặp nhiều thuận lợi hơn so với những địa phương khác nhưng về kết cấu hạ tầng vẫn còn kém nhất là các xã xa trung tâm. Để tháo gỡ nút thắt này, bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 5 năm thành phố đã xây dựng được 102,2 km đường thôn, buôn; 145 km đường gõ xóm; 20,54 km đường nội đồng; kiên cố hóa 28,4 km kênh mương; 252 phòng học…, với tổng kinh phí trên 766 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 541 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 225,6 tỷ đồng. Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh cho biết, ngoài tiêu chí giao thông, còn rất nhiều tiêu chí khó khác như cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như thủy lợi, tính đến nay, có 61/152 xã đạt, (tăng 51 xã so với năm 2010); về điện có 95/152 xã đạt, (tăng 64 xã so với năm 2010); về cơ sở vật chất văn hóa, có 15/152 xã đạt (tăng 15 xã so với năm 2010); về môi trường có 36/152 xã đạt (tăng 36 xã so với năm 2010)… Trong 5 năm, các hộ dân đã đóng góp tiền mặt khoảng 961 tỷ đồng, hiến trên 955.000 m2 đất, hơn 102 nghìn ngày công lao động... để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân thể thao, nhà văn hóa... Chính nhờ sự đóng góp này mà những khó khăn về nguồn vốn trong xây dựng hạ tầng nông thôn đã được tháo gỡ, giúp cho nhiều xã vững vàng cán đích nông thôn mới. Theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Thường trực Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng sau 5 năm thực hiện XDNTM, diện mạo nông thôn Đắk Lắk đã có sự thay đổi toàn diện về kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là nhận thức của các tầng lớp  nhân dân về nông thôn mới đã nâng lên rõ rệt, từ chỗ trông chờ, ỷ lại Nhà nước đầu tư, giờ đã chủ động, tích cực tham gia đóng góp XDNTM. Đây chính là đòn bẩy để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020.

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc