Multimedia Đọc Báo in

Ngành Ngân hàng - một năm đầy sôi động

10:46, 31/12/2016

Năm 2015 ghi dấu những bước chuyển mình rất lớn trong hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Với những nỗ lực của mình, ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nỗ lực tái cơ cấu

Như nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2015 là thời điểm thích hợp để thực hiện tái cơ cấu khi hệ thống ngành Ngân hàng đã vượt qua thời kỳ khó khăn do hậu quả của việc tăng trưởng nóng trước đó. Do vậy, bên cạnh  mở rộng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có 42 đơn vị (tăng 1 chi nhánh so với năm 2014) bao gồm 8 chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước; 20 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần; 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông; 1 chi nhánh Ngân hàng hợp tác xã và 11 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Có 30 chi nhánh loại 3 trực thuộc Ngân hàng NN-PTNT. Về mạng lưới các phòng giao dịch, trong năm 2015, được sự đồng ý của NHNN, các tổ chức tín dụng đã thành lập mới 6 phòng giao dịch; nâng cấp 2 quỹ tiết kiệm lên phòng giao dịch và chấm dứt hoạt động 13 phòng giao dịch. Đến nay, trên địa bàn có 149 phòng giao dịch trực thuộc các tổ chức tín dụng, với mạng lưới hoạt động rộng khắp trên địa bàn đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng dịch vụ ngân hàng của các tầng lớp dân cư. Đáng chú ý là bên cạnh mở rộng mạng lưới, các tổ chức tín dụng cũng đã mạnh dạn chấm dứt hoạt động các đơn vị có hiệu quả kinh doanh thấp. Tiêu biểu trong số này phải kể đến việc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk đã chấm dứt hoạt động 14 PGD, trong đó có 6 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại I và 8 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại III. Một nội dung quan trọng của Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 là xử lý căn bản tình trạng nợ xấu để đưa nợ xấu về mức độ an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng. Nội dung này đã được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt và hiệu quả. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã thành lập Ban xử lý nợ xấu tại chi nhánh, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu. Nhờ đó, trong năm các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã xử lý được 1.259 tỷ đồng nợ xấu, đưa nợ xấu xuống còn 1.204 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng dư nợ cho vay.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong Chi nhánh Đắk Lắk –  đơn vị mới nhất hoạt động tại thị trường Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong Chi nhánh Đắk Lắk – đơn vị mới nhất hoạt động tại thị trường Đắk Lắk.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Theo nhận định của Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu, Đắk Lắk là địa phương có hoạt động tín dụng sôi động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong năm 2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, mở rộng tín dụng. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt mức tăng trưởng cao (20,3%), vượt 5,3% so với kế hoạch đề ra của ngành ngân hàng Đắk Lắk. Trong đó, dư nợ khối Ngân hàng thương mại cổ phần tăng 50,5%; khối Ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 10%. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, các giải pháp tín dụng được triển khai nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Điều này thể hiện rõ đối với một số ngành, thành phần kinh tế “đầu tàu” của địa phương đã đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung như ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 35,9% so với đầu năm; khu vực kinh tế tư nhân, cá thể tăng 23,5%  so với đầu năm. Trong cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn cho vay, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 45,2% tổng dư nợ, tăng 32,9% so với đầu năm, cho thấy các  tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho các DN vay vốn trung, dài hạn để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về công tác huy động vốn, theo số liệu báo cáo của các  tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng nguồn vốn huy động đến 31-12 ước đạt 27.153 tỷ đồng; tăng 11,6% (tăng 2.826 tỷ đồng) so với đầu năm. Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, mặc dù nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn không cao, nhưng huy động vốn có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng 38,2% so với đầu năm, tăng cao hơn so với mức tăng trưởng vốn huy động toàn địa bàn cho thấy cơ cấu nguồn vốn huy động đã có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần nguồn vốn có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây là tín hiệu tích cực khi các tổ chức tín dụng có thể chủ động được nguồn vốn, bảo đảm công tác cho vay hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Có thể nói, với sự chủ động, linh hoạt của mình, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.