Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Sử dụng nhiều loại giống chất lượng cao trong vụ đông xuân 2015 - 2016

09:47, 21/12/2015
Theo lịch thời vụ gieo trồng vụ đông xuân 2015 - 2016, từ ngày 15-12-2015, nhiều loại cây trồng bước vào giai đoạn xuống giống đại trà như lúa nước (trà chính), ngô, đậu đỗ các loại... Đến thời điểm này, tại các địa phương trên địa bàn huyện M’Đrắk, bà con nông dân đang tập trung công tác làm đất, nạo vét hệ thống kênh mương, chỉnh sửa giao thông nội đồng... sẵn sàng cho sản xuất vụ đông xuân.

Trong 3 ngày, từ ngày 11 đến ngày 13-12-2015, bà con tổ dân phố 1 (thị trấn M’Đrắk) đã đóng góp gần 400 ngày công lao động tập thể để tiến hành nạo vét trên 4 km kênh mương dẫn nước từ công trình thủy lợi Krông Jing (xã Cư Mta) về cánh đồng và đắp 500 m đường giao thông nội đồng với trên 200 m3 đất cát. Do nằm cách xa điểm cấp nước gần 5 km nên 15 ha đất trồng lúa ở cánh đồng tổ dân phố 1 rơi vào diện thiếu nước nghiêm trọng, vì vậy tranh thủ lịch phân bổ nước phục vụ sản xuất, bà con tập trung nhân lực làm đất, chuẩn bị giống... sẵn sàng gieo sạ từ ngày 20 đến 30-12. Trong khi đó, tại cánh đồng Đoàn Kết (tổ dân phố 3, thị trấn M’Đrắk), mặc dù chưa có nước về ruộng nhưng không khí lao động sản xuất vụ đông xuân vẫn rất nhộn nhịp khi nhà nhà đều ra ruộng. Cánh đồng có diện tích khoảng 22 ha do hơn 40 hộ dân của 7 tổ dân phố trên toàn thị trấn M’Đrắk canh tác. Năm ngoái, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, cả cánh đồng chỉ gieo sạ được 3 ha lúa cạn, diện tích còn lại bỏ hoang nên vụ đông xuân năm nay, việc triển khai sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn do cỏ mọc dày đặc, hệ thống bờ mương, chân ruộng bị trâu bò dẫm gây hư hỏng nặng, kênh mương bỏ hoang lâu ngày khó khăn cho việc dẫn nước... Vì vậy, ngay từ đầu tháng 10, bà con nông dân đã tích cực ra đồng phát dọn cỏ, gia cố lại chân ruộng và nạo vét kênh mương dẫn nước. Chị Trương Thị Hường, người dân tổ dân phố 3 cho biết: “Tất cả các nông hộ đều rất hăng hái, tập trung cho công tác sản xuất, vì đã mất mùa vụ trước nên bà con phấn đấu tăng năng suất vụ này, bù đắp lương thực thiếu hụt”.

Tranh thủ lịch phân bổ nước phục vụ  sản xuất,  nông dân  thôn 18  (xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) huy động  máy móc  ra đồng  làm đất.
Tranh thủ lịch phân bổ nước phục vụ sản xuất, nông dân thôn 18 (xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) huy động máy móc ra đồng làm đất.

Tại các cánh đồng thôn 4, thôn 18 (xã Cư Mta, huyện M’Đrắk), công tác chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân đang bước vào những khâu cuối cùng. Đến nay, ở hầu hết các nông hộ đã ngâm ủ giống, dự kiến xuống giống trong vài ngày tới. Vụ đông xuân năm nay, xã Cư Mta gieo trồng 506 ha cây trồng các loại, trong đó: lúa nước 296 ha, ngô 20 ha, sắn 150 ha, đậu đỗ các loại 5 ha, cây trồng khác 35 ha,... phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực 1.978,8 tấn. Ông Nguyễn Công Huế, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Mta cho biết: Đến nay, toàn xã đã thực hiện trà sớm khoảng 30 ha lúa nước ở các vùng chân ruộng cao, phòng tránh thiếu nước vào cuối vụ. Từ nay đến cuối tháng 12, diện tích còn lại sẽ được gieo sạ đại trà. UBND xã cũng yêu cầu cán bộ thủy nông các thôn, buôn tập trung công tác thủy lợi, phân bổ nguồn nước, bảo đảm cho bà con gieo sạ đúng lịch thời vụ.

Vụ đông xuân 2015-2016, huyện M’Đrắk phấn đấu gieo trồng 5.180 ha cây trồng các loại, tổng sản lượng lương thực 17.901,6 tấn, trong đó: lúa nước 2.075 ha, ngô 705 ha, sắn 1.000 ha, đậu đỗ các loại 80 ha, mía 1.000 ha, cây trồng khác 320 ha. Theo dự báo, tình hình thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của hiện tượng El Ninô có thể gây ra hạn hán từ đầu vụ, bất lợi cho hoạt động sản xuất. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện M’Đrắk đã khuyến cáo các địa phương tập trung chuẩn bị điều kiện cần thiết để sản xuất vụ đông xuân với phương châm “tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao”, chủ động bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị sản xuất, thực hiện các biện pháp thâm canh bảo đảm quy trình kỹ thuật, đồng thời có phương án phòng chống lụt bão; kiểm soát phát hiện, xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong cơ cấu giống, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các loại giống được khảo nghiệm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, đẩy mạnh sử dụng các loại giống lai, giống xác nhận có năng suất, sản lượng, giá trị hàng hoá cao và không sử dụng giống ngoài luồng, giống sử dụng qua nhiều vụ: Đối với lúa nước, bà con sử dụng các loại giống lúa lai từ 38-43% như Syn6, Nhị ưu 838, Arire, giống lúa xác nhận từ 57- 62% sử dụng giống KD18, V13/2, HT1... Ngô sử dụng các loại giống lai NK72, NK73, G 49, VN 10; sắn sử dụng giống KM94, KM95, KM60; mía sử dụng giống VN85-1427, SUPHAN BURI7. Đồng thời, khuyến khích bà con xuống giống tập trung vào 2 trà sớm và chính vụ để tránh hạn hán vào cuối vụ, không gieo trồng trên những diện tích không đủ nguồn nước tưới, triệt để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, bố trí các loại cây trồng phù hợp với từng điều kiện canh tác và tiểu vùng để sản xuất có hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.