Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

08:41, 22/12/2015

Trong cơ cấu kinh tế của Đắk Lắk, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất và được xác định là ngành chủ lực. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức khi chất lượng tăng trưởng giảm sút, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp chưa cao...

Là lĩnh vực hiện chiếm trên 41% GDP của tỉnh, nhưng theo báo cáo của Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều giảm mạnh về lượng như cà phê nhân (giảm 23%), hạt tiêu (23,92%), cao su (31%), điều (44,62%); riêng sản phẩm ong giảm đến 36,52%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng đáng chú ý là nguyên nhân do hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chủ yếu qua sơ chế, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng nông sản, nhất là quản lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp đứng trước yêu cầu cấp bách phải tái cơ cấu và để làm được điều này, vai trò của doanh nghiệp (DN) là rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Quốc Thích cho rằng, để nông nghiệp phát triển, cần hội đủ những điều kiện sản xuất và tiêu thụ như đất đai, lao động, vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường. Trong khi người nông dân sản xuất không có định hướng thị trường, DN sẽ hiểu thị trường, có khả năng đưa vốn, công nghệ cần thiết để phối hợp với nông dân chọn đúng sản phẩm, đúng thời điểm để đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, hình thành nên chuỗi giá trị một cách đồng bộ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để có thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Thực tế trong những năm qua, nông dân Đắk Lắk đã tiếp cận với nhiều chương trình sản xuất bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các chương trình sản xuất cà phê bền vững như UTZ Certified, 4C, Thương mại công bằng (Fairtrade), Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance)… nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các DN. Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến rất lớn nhờ sự đầu tư của các đơn vị như Công ty TNHH Liên hợp công nông nghiệp và phát triển bền vững Sao Đỏ, Công ty CP Đầu tư XNK Phước Thành, tập đoàn TH True Milk, Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam… có quy mô tổng đàn lên đến hàng nghìn con, nuôi bằng quy trình, công nghệ hiện đại. Cũng theo ông Huỳnh Quốc Thích, sự đầu tư của các DN đang mang đến luồng sinh khí mới cho lĩnh vực nông nghiệp. Việc đầu tư dựa trên quy mô đất lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao không những giúp nâng cao hiệu quả nhờ hiệu suất theo quy mô tăng dần mà còn giúp loại trừ các rủi ro liên quan.

Trang trại chăn nuôi gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đắk Lắk.
Trang trại chăn nuôi gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đắk Lắk.

Không chỉ thay đổi thói quen sản xuất, các DN còn hướng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang những loại cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao giúp nông dân có thêm lựa chọn. Đồng thời DN cũng đứng ra bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu cho hình thức tạo chuỗi giá trị này, mới đây Công ty TNHH Hồng Hoa Đắk Lắk đã ký kết thành công hợp đồng cung cấp sản phẩm hồng hoa vào thị trường Trung Đông và sản xuất nguyên liệu cho thị trường Pháp. Giám đốc công ty TNHH Hồng Hoa Đắk Lắk Hoàng Thị Mai Châu cho biết, nhờ có thị trường tiêu thụ tốt, hiện nay cây hồng hoa đang mang đến cho người nông dân lợi ích gấp 2 đến 3 lần trên một đơn vị diện tích. Công ty đang tích cực xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định để bảo đảm thực hiện tốt các hợp đồng với đối tác nước ngoài, đây được xem là cơ hội tốt để người nông dân có thể chuyển đổi cây trồng trên diện tích cho hiệu quả thấp.

Mặc dù đóng góp của DN trong việc tái cơ cấu nông nghiệp là không phải bàn cãi, tuy nhiên số lượng DN tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay không nhiều. Khó khăn nhất hiện nay là đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sẽ rất khó cho các DN khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn. Đó cũng là “bài toán” đặt ra để phát huy hơn nữa vai trò của DN trong tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.