Phụ nữ Ea Na liên kết phát triển kinh tế
Phát triển sản xuất theo mô hình liên kết là cách làm của Hội Phụ nữ xã Ea Na (huyện Krông Ana) nhằm giúp hội viên, phụ nữ gắn kết, phát huy tính sáng tạo, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động để vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu hiệu quả.
Tham gia mô hình tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê năng suất, chất lượng cao, chị Nguyễn Thị Oanh được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cải tạo lại vườn cà phê già cỗi. Đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Chị Oanh cho hay: “Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ cần bón phân nhiều thì cà phê sẽ cho năng suất cao nhưng khi được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc cây trồng tôi nhận ra rằng mình đã sai lầm. Với cây cà phê cần chú trọng bón đúng, bón đủ liều lượng để tránh lãng phí mà cây vẫn phát triển tốt”. Với chị Nguyễn Thị Đình, nhờ tham gia tổ liên kết, biết tiết kiệm nước tưới, bón phân cân đối và đúng thời điểm mà năng suất cà phê của gia đình được cải thiện rõ rệt. Chị Đình chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi chăm sóc cà phê chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân nên cho năng suất không cao, 1 ha cà phê chỉ cho khoảng 2-3 tấn/năm. Từ khi tham gia mô hình tổ liên kết trồng cà phê tôi được tham dự tập huấn các quy trình từ bón phân, tưới nước đến phương pháp canh tác, bảo quản sản phẩm theo quy định. Cũng nhờ nắm vững và thực hiện tốt các quy tắc trong sản xuất mà sau một năm thực hiện, vườn cà phê của gia đình không chỉ cho năng suất cao hơn mà còn giảm được nhiều chi phí đầu tư”.
Thành viên tổ liên kết trồng cà phê năng suất, chất lượng cao trao đổi kinh nghiệm sản xuất. |
Cũng là thành viên tham gia tổ liên kết từ những ngày đầu, Chị Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Từ khi tham gia vào mô hình, đến mùa thu hoạch cà phê, gia đình tôi không còn lo thiếu nhân công như trước. Đến vụ, các chị em trong tổ sẽ tập hợp lại thành từng nhóm nhỏ để đổi công. Tùy từng trường hợp, những gia đình có công việc cần trước thì giải quyết trước. Nhờ vậy, trong 2 năm qua, chúng tôi đã giúp nhau chăm sóc cũng như thu hoạch cà phê đúng thời điểm”.
Được thành lập từ năm 2013, mô hình tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê năng suất, chất lượng cao ở xã Ea Na có 25 thành viên. Việc hình thành tổ hợp tác xuất phát từ nhu cầu của hội viên, phụ nữ trong việc chia sẻ thông tin khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau về vốn, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Chị Phùng Thị Tần, Chủ nhiệm mô hình cho biết: “Ngoài việc sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần để chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất thì hội viên còn được tham dự các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức. Riêng Ban chủ nhiệm sẽ tuyên truyền đến hội viên và có chương trình kế hoạch cụ thể cho tổ vào từng thời điểm nhất định để quy trình sản xuất cà phê bảo đảm chất lượng tốt hơn”.
Việc hình thành mô hình tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê năng suất, chất lượng cao ở Ea Na bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từng bước thay đổi tập quán sản xuất cà phê cũ, giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm. Bà Lưu Thị Gấm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Mô hình đã tạo điều kiện, cơ hội cho hội viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất với nhau. Cùng với đó, việc triển khai tổ liên kết đã giúp chị em yên tâm sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chất lượng. Qua đó khuyến khích hội viên, phụ nữ tại địa phương phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc