Multimedia Đọc Báo in

Vùng "chảo lửa" Ea Súp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

08:42, 22/12/2015
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2016 được dự báo là năm chịu nhiều tác động nhất do tình hình nắng hạn, ít mưa kéo dài trong nhiều năm. Ea Súp là vùng “chảo lửa” với nhiệt độ trung bình cao hơn từ 2-3 độ so với toàn tỉnh, nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền địa phương và người dân Ea Súp đang tích cực chuẩn bị để ứng phó với cao điểm của đợt hạn trong mùa khô năm nay.

Ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi

Do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, vài năm trở lại đây tình hình thời tiết tại Đắk Lắk diễn biến bất thường. Năm 2015, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Tại Ea Súp, lượng mưa chỉ đạt 75%, mực nước tại các con sông, suối, nước ngầm đều thấp hơn trung bình nhiều năm, mực nước hồ đập đều thấp hơn so với thiết kế, có khả năng không bảo đảm nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt trong mùa khô 2015-2016 và vụ mùa năm 2016. Đặc biệt, các nguồn tự chảy tại các khe suối sẽ sớm cạn kiệt, mực nước ngầm ở các giếng tụt 3-5m so với năm 2014 đã và đang gây khó khăn về nước sinh hoạt trên diện rộng, đặc biệt là các vùng trọng điểm của cơn “khát” Ia R’vê, Ya Lốp, Ia J’lơi, Cư Kbang.

Người dân xã Ea Lê làm đất chuẩn bị xuống giống cây trồng vụ đông xuân.
Người dân xã Ea Lê làm đất chuẩn bị xuống giống cây trồng vụ đông xuân.

Nhằm đối phó với tình hình hạn hán, các xã hiện đang khắc phục, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, khơi sâu thêm giếng đào, tăng cường các biện pháp trữ nước, tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước nhằm chủ động ứng phó với tình hình nắng nóng diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vừa qua, UBND huyện tổ chức Hội thảo đưa ra các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước phải hợp lý trong từng thời gian và ưu tiên nước cho ăn uống và sinh hoạt, hạn chế việc khai thác nước ngầm tràn lan trong tưới tiêu; chú trọng quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước với nhiều quy mô khác nhau dựa vào nhu cầu của từng địa phương, tăng dung tích chứa, giữ nước của các công trình khai thác nước mặt để bảo đảm sự phát triển nguồn nước bền vững; khu vực nguồn nước mặt thường xuyên bị cạn kiệt, vùng có lượng mưa thấp và thời gian mùa khô kéo dài cần phải khai thác nước ngầm tầng sâu một cách hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm; chủ động nạo vét, khoan giếng để bảo đảm đủ nước sinh hoạt; xây dựng phương án lưu động xử lý các trường hợp xảy ra sự cố như điều động xe téc cung cấp nước cho các khu dân cư…

Chủ động xuống giống phòng tránh hạn hán vụ đông xuân 2015-2016

Toàn huyện hiện có 3 công trình thủy lợi gồm hồ Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ, hồ Ia J’lơi, tuy nhiên hệ thống kênh mương chưa được đầu tư đồng bộ nên chỉ 50% diện tích lúa chủ động được nước tưới.

Vụ đông xuân 2015-2016 toàn huyện phấn đấu gieo trồng 5.860 ha cây trồng các loại, trong đó lúa 4.200 ha (sản lượng phấn đấu đạt 28.601 tấn), ngô 40 ha (200 tấn), thuốc lá 350 ha (805 tấn), dưa hấu 500 ha (11.200 tấn), đậu các loại 40 ha (40 tấn), khoai lang 80 ha (560 tấn), rau màu các loại 230 ha (1.150 tấn). Với mục tiêu quyết tâm giành thắng lợi vụ đông xuân như kế hoạch đã xây dựng, ngay từ cuối tháng 10, UBND huyện đã ban hành lịch thời vụ sản xuất cụ thể cho các loại cây trồng và phân công nhiệm vụ cho từng cấp, ngành. Theo đó, lúa nước gieo trồng từ ngày 10-12-2015 đến 10-1-2016, ngô 30-11 đến 30-12-2015, thuốc lá 1-11 đến 1-12-2015; các ngành, địa phương tập trung kiểm tra hệ thống kênh mương, đánh giá khả năng phục vụ tưới; xây dựng kế hoạch và tính toán khối lượng nạo vét, tu bổ các tuyến kênh bị hư hỏng và huy động nhân dân ra quân phát dọn để dẫn nước phục vụ gieo tỉa đúng lịch thời vụ; Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn theo chương trình quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp (ICM), quản lý chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; Trạm Khuyến nông tiếp tục triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo kế hoạch và tổ chức hội thảo sơ kết các mô hình đã thực hiện trong vụ mùa 2015 để khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đưa vào sản xuất các loại giống mới, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tới nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, đến thời điểm này các địa phương cơ bản đã hoàn thành công tác tu sửa, nạo vét kênh mương, cày ải đất phục vụ sản xuất. Để tiết kiệm nước tưới, những năm gần đây huyện quán triệt không sản xuất lúa vụ 3, chuyển đổi những chân ruộng bấp bênh nước sang trồng hoa màu, thuốc lá… Riêng vùng trọng điểm xảy ra hạn hán thường xuyên tại xã Ia J’lơi đã tiến hành xuống giống gần 100 ha từ đầu tháng 11, đến nay lúa đã làm đòng, chuẩn bị trổ bông. Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng nhằm mở rộng diện tích sản xuất trong các năm tiếp theo; đề nghị Sở NN-PTNT, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk xem xét cho nâng cao tràn xả lũ hoặc có biện pháp phù hợp để tích nước tại hồ Ia J’lơi bảo đảm đủ nguồn nước tưới đến cuối vụ cho diện tích sản xuất của nhân dân.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.