Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi ồ ạt mở rộng diện tích hồng hoa

07:42, 10/01/2016

Nhận thấy hồng hoa là loại cây dễ trồng, tư thương thu mua đài hoa với giá khá cao nên thời gian gần đây, nhiều người dân trong tỉnh đang đổ xô trồng loại cây này. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay việc liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này vẫn còn hạn chế...

Cây hồng hoa (còn gọi là cây bụp giấm hay atiso đỏ, tên khoa học là Hibiscus sabdariffa) có nguồn gốc từ châu Phi, được đưa vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ 20. Năm 2014, Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ) đã xây dựng mô hình khảo nghiệm và thực hiện đề tài đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của loại cây trồng này khá tốt, hiệu quả kinh tế đem lại có thể gấp 3 - 4 lần so với một số cây ngắn ngày khác.... Từ đó đến nay, cây hồng hoa đã được người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh trồng đại trà, phổ biến ở các huyện Krông Ana, M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột… với diện tích hàng trăm héc ta.

Ông Lưu Hồng Sơn ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đang thu hoạch hồng hoa.
Ông Lưu Hồng Sơn ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đang thu hoạch hồng hoa.

Ông Lưu Hồng Sơn ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thấy một số người dân trong xã trồng hồng hoa cho lợi nhuận cao nên đầu tháng 7 vừa qua ông cũng đầu tư 2 triệu đồng mua hạt giống về ươm, rồi phá bỏ 5 sào sắn để trồng. Theo ông Sơn, hồng hoa là cây trồng thời vụ rất dễ tính, không kén đất, có thể trồng ở những chân ruộng cao thiếu nước, đất bạc màu khó canh tác các loại cây trồng khác. Kỹ thuật chăm sóc loại cây này cũng đơn giản, ít bị sâu bệnh, từ lúc trồng đến khi ra hoa khoảng 4 tháng, và chỉ cần bón lót ban đầu 1 lượt phân NPK là đủ. Theo ước tính, vụ hồng hoa này gia đình ông thu hoạch khoảng 5 tấn đài hoa tươi. Với giá đài hoa mà tư thương đến tận nơi mua là 5.000 đồng/kg, thì trừ chi phí sản xuất, ông Sơn có lãi trên 20 triệu đồng, cao hơn hẳn việc trồng sắn, ngô hay lúa.

Gia đình ông Y Hinh Byă ở thôn 17A, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) năm nay cũng trồng 1,5 ha hồng hoa. Ông cho biết, năm ngoái ông chỉ trồng 4 sào hồng hoa và thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Năm nay ông quyết định phá bỏ toàn bộ vườn hoa màu nhà mình để mở rộng diện tích loại cây trồng này. Vụ này ông ước thu được khoảng 13 tấn đài hoa tươi. Bên cạnh việc bán sản phẩm đài hoa, nhiều hộ dân trong xã cũng đã đặt tiền cọc trước cho ông để mua hạt giống khô với giá 30.000 đồng/kg, hứa hẹn thu nhập thêm khoảng 20 triệu đồng. Ông Y Hinh dự định sẽ đầu tư tăng gấp đôi diện tích hồng hoa vào năm sau.

Người dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch hồng hoa.
Người dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch hồng hoa.

Được biết hiện nay, đầu ra ổn định đối với loại cây trồng này trên địa bàn tỉnh hầu như mới chỉ có Công ty TNHH Hồng Hoa Đắk Lắk thu mua theo hình thức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Mai Châu, Giám đốc công ty thì hiện nay đơn vị mới ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm hồng hoa cho gần 100 hộ dân với diện tích 30 ha tại các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột. Toàn bộ diện tích ký cam kết này đều được công ty trực tiếp cung ứng hạt giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch. Công ty tuyệt đối không thu mua sản phẩm ngoài diện tích đã cam kết.

Theo Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, hồng hoa muốn trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương, đem lại lợi nhuận kinh tế bền vững cho người dân thì phải có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, Sở Công thương và Sở Khoa học - Công nghệ đang tập trung nghiên cứu, lập dự án, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ hồng hoa như trà thảo mộc, mứt, sirô, rượu… Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, khả năng tiêu thụ mỗi năm trên 20.000 tấn hồng hoa; hứa hẹn sẽ góp phần đưa hồng hoa trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ở những khu vực đất đai khô cằn, thiếu nước. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, hiện tại, đầu ra cho loại nông sản này vẫn còn hạn chế thì bà con không nên trồng ồ ạt hồng hoa. Đây là loại cây trồng mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi đầu tư sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống, liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định rồi mới tính đến mở rộng vùng trồng, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch một số cây trồng chủ lực tại địa phương. Bên cạnh đó, ngành chức năng trong tỉnh cũng cần có chủ trương, định hướng phát triển loại cây này sao cho phù hợp. Đừng để nông dân tự “bơi”, tự phát, dễ phát sinh rủi ro, tái diễn điệp khúc “trồng – chặt” đã từng diễn ra đối với một số loại cây trồng khác như mắc ca, điều…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.