Chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thị trường cà phê
Năm nay, cà phê mất mùa, mất giá khiến người dân không vui. Để ứng phó với thực trạng ảm đạm của niên vụ cà phê mới, người dân Đắk Lắk đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao vị thế sản phẩm của mình trên trường quốc tế.
Nâng cao chất lượng từ khâu thu hoạch
Ông Nguyễn Văn Tín, xã Ea Kiết (Cư M’gar) cho biết, gia đình ông có 2 ha cà phê nhưng năm nay thời tiết nắng hạn khiến nhân nhỏ, ước sản lượng chỉ đạt gần 7 tấn nhân, giảm 20% so với niên vụ 2014-2015. Nhằm vớt vát gia đình ông chuẩn bị sân phơi, máy móc, bao bạt… ngay từ đầu tháng 10 để chủ động thu hái, hạn chế thuê nhân công. Thay vì chờ cà phê chín thu hái một lượt và để đống trong sân chờ sơ chế một lần vào cuối mùa thu hoạch thì ngay từ đầu vụ này, gia đình đã hái lựa quả chín và sơ chế theo từng đợt theo kiểu cuốn chiếu. Nhờ đó, nhân cà phê tuy nhỏ hơn những năm trước nhưng đều, màu sắc hạt sáng và bắt mắt hơn. Ông Y Căl Êban, Giám đốc HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát, xã Hòa Đông (Krông Pắc) cho biết, HTX hiện có hơn 140 ha cà phê sản xuất theo bộ nguyên tắc UTZ Certified nên việc thu hái cà phê chín là điều tất yếu. Hiện tại, đơn vị tiến hành sơ chế cà phê theo ba hình thức: chế biến ướt, phơi nguyên trái và xát dập quả tươi. Cà phê sau khi phơi khô được HTX thu mua tạm ứng cho bà con nông dân và gửi vào kho của công ty liên kết nhằm bảo quản cà phê trong môi trường tốt nhất.
Chế biến ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk (Cư M'gar). |
Còn tại Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, với 70% sản lượng được chế biến ướt thì việc thu hái cà phê gần như giữ vai trò quyết định đến chất lượng cà phê nhân nên công tác tuần tra, bảo vệ mùa thu hoạch được đơn vị đặt lên hàng đầu. Theo đó, 14 đội sản xuất thành lập 14 tổ tự vệ (12 người/tổ) thay nhau tuần tra, bảo vệ cà phê từ đầu mùa thu hoạch, còn công ty tổ chức tuần tra bảo vệ vòng ngoài nên việc mất trộm cà phê dường như không xảy ra. Do đó, việc thu hái được tiến hành theo tiến độ chín của vườn cây giúp kéo giãn thời gian thu hoạch, giảm áp lực nhân công mùa vụ cũng như bảo đảm khâu chế biến, phơi sấy cho nhà máy.
Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, nếu như trước đây, nông dân có tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” thì nay bà con đã biết thu hái cà phê chín với tỷ lệ cao hoặc hái lựa quả chín để nhân chắc, nặng hơn nên chất lượng cà phê theo đó được nâng cao đáng kể. Huyện cũng khuyến cáo bà con không để quả chín nẫu và khô trên cây rồi mới hái nhằm giảm tỷ lệ hạt nâu và hạt côn trùng hại, loại bỏ các loại tạp chất ngay ngoài đồng sau khi thu hái, không lưu giữ quả tươi quá lâu.
Đẩy mạnh phát triển cà phê theo hướng bền vững
Cây cà phê hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do biến động giá cả và sự cạnh tranh của các loại cây trồng khác nhưng xét về lâu dài cây cà phê vẫn được bà con nông dân cũng như chính quyền các cấp lựa chọn là cây trồng chủ lực. Bởi, cà phê tuy thu nhập không cao bằng hồ tiêu nhưng ít sâu bệnh, cùng với đó, nhu cầu cà phê trên thị trường ngày càng tăng, tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Mặt khác, Đắk Lắk có điều kiện khí hậu khá lý tưởng cho cà phê phát triển nên chi phí sản xuất thấp hơn, là nơi sản xuất ra các giống cà phê mới có năng suất cao, chất lượng tốt được cả thế giới công nhận, nên nếu phát triển có định hướng thì cây cà phê vẫn mang tính ổn định nhất trong các loại cây trồng. Nhằm hỗ trợ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các đơn vị sản xuất đang thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu như hỗ trợ thu hoạch, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Ông Vũ Đình Nội, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi cho biết, bên cạnh chế tài cắt thi đua khen thưởng các hộ dân khi thu hái cà phê không bảo đảm độ chín thì đơn vị còn hỗ trợ 2,8 triệu đồng/ha chi phí nhân công thu hái, tạm ứng chi phí sản xuất cho các hộ dân có nhu cầu…
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê. |
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, những năm trở lại đây người trồng cà phê đã nhận thấy được ích lợi của việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững nên đa số bà con đều tự nguyện tham gia sản xuất theo các bộ nguyên tắc quốc tế. Với các giá cộng hưởng tương đương cho từng chứng nhận thì lợi nhuận của bà con theo đó được nâng cao một cách rõ rệt. Chất lượng cà phê nhân do nhiều yếu tố quyết định, việc thu hoạch, sơ chế, bảo quản chỉ là khâu cuối cùng trong chuỗi đó. Do đó, để nâng cao chất lượng cà phê theo hướng ổn định, lâu dài bà con cần lựa giống theo hướng chú trọng các chỉ tiêu kích cỡ hạt to và đồng đều, chống chịu được các điều kiện bất thuận của thời tiết; chống chịu được sâu bệnh hại chủ yếu; áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (chú trọng cây che bóng và cây đai rừng chắn gió) nhằm nâng cao kích cỡ và dung trọng hạt, giảm tỷ lệ hạt đen, hạt sâu đục, hạt nhẹ…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc