Huyện M'Đrắk chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Vào lập nghiệp tại M’Đrắk năm 1990, trước đây cuộc sống của gia đình bà Bùi Thị Ngọc (thôn 4, xã Ea Lai) chủ yếu dựa vào 2 ha cà phê. Nhưng cà phê già cỗi, năng suất thấp nên năm 2007 bà lặn lội xuống Bình Phước tìm mua giống tiêu Vĩnh Linh, Phú Quốc về trồng xen trong vườn cà phê, sau đó thay thế vườn cà phê sang trồng tiêu, thu nhập bình quân mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng. Bà Ngọc cho biết, để có tiền trang trải cuộc sống, những năm đầu mới chuyển đổi gia đình đã tận dụng khoảng trống trong vườn để trồng các loại cây ngắn ngày đậu phộng, đậu xanh, ngô… Hiện tại, tiêu đang đi vào kinh doanh, rất mẫn cảm với các loại dịch bệnh nên gia đình hạn chế làm cỏ, xới đất quanh gốc cây, chú trọng bón phân hữu cơ, phát triển hệ thống thoát nước chống ngập úng cho vườn. Ông Nguyễn Huy Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ea Lai cho biết, do đặc thù thời tiết mưa nhiều vào những tháng cuối năm, nên trồng cây cà phê không hiệu quả. Do đó, chính quyền và hội Nông dân xã đã tổ chức cho bà con nông dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình, nghiên cứu về chất đất, điều kiện khí hậu để đưa các giống cây mới vào sản xuất, trong đó, cây tiêu được khuyến khích đưa vào trồng nhiều nhất. Nhờ trồng tiêu, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện kiểm tra thực địa sản xuất tại xã Ea Lai. |
Bên cạnh chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng tiêu, những năm gần đây, địa phương cũng khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng mía hiệu quả thấp, mía vụ 3 sang trồng mè, các loại đậu, gấc… để tăng giá trị kinh tế. Ông Nông Văn Cương, thôn 7, xã Ea Pil cho biết, do diện tích mía già cỗi (mía vụ 3), năng suất thấp nên đầu vụ hè thu vừa rồi ông được Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Gấc Tây Nguyên ký hợp trồng 5 sào gấc cao sản dưới dạng thử nghiệm. Đến nay vườn gấc của gia đình bắt đầu cho thu bói và được công ty bao tiêu với giá 6.000 đồng/kg. So với trồng các loại cây khác thì trồng gấc tuy mất công chăm sóc, làm giàn… nhưng chi phí đầu tư lại thấp, thu hoạch dàn trải nên người dân có phần nhàn thân hơn, mùa thu hoạch cũng nhẹ nhàng hơn. Ông Nguyễn Doãn Sùng, Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết, cây gấc mới chỉ được trồng thử nghiệm tại địa phương trong năm nay với diện tích rất khiêm tốn - 10 ha, tuy nhiên có lợi thế là phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của địa phương như chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, tạo công ăn việc làm quanh năm cho bà con… Thời gian tới, xã sẽ đưa cây trồng này vào quy hoạch phát triển cây trồng hằng năm.
Song song với đó, công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống lúa mới như Nhị ưu 838, Syl6, Arize, VN121…, ngô lai NK66, NK67, NK 72, NK7328 vào sản xuất thay cho giống địa phương đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2015 năng suất lúa ước thực hiện đạt khoảng trên 6,3 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so với năm 2010; năng suất ngô năm 2015 ước đạt trên 6,2 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với năm 2010; cây mía 2015 ước đạt 72 tấn/ha, tăng 4 tấn/ha so với năm 2010. Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng rộng rãi các loại giống lai, giống mới có năng suất cao và thâm canh tăng năng suất cây trồng; triển khai và nhân rộng mô hình cây lương thực, cây công nghiệp, mô hình phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đàn gia súc; chú trọng công tác bảo vệ an toàn các hồ đập và sử dụng nước hợp lý, hiệu quả; đồng thời, chủ động việc phòng chống hạn, lụt bão nhằm hạn chế đến mức thấp thiệt hại do thiên tai xảy ra.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc