Khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng mùa khô
Vào mùa khô, những con đường dẫn vào những rừng bắt đầu khô ráo tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc vào rừng khai thác lâm sản trái phép; người dân cũng bắt đầu phát dọn, đốt nương làm rẫy, dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Vì vậy nên đối với chủ rừng và lực lượng chức năng thì trong mùa này, họ phải “gồng mình” với công tác quản lý, bảo vệ để an ninh rừng được đảm bảo.
Theo thống kê của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, cứ Quý I hằng năm, các hành vi phạm lâm luật được phát hiện ở Vườn luôn cao hơn các Quý khác trong năm khoảng 30%. Giám đốc VQG Yok Đôn Đỗ Quang Tùng giãi bày, vào mùa khô, các lực lượng kiểm lâm của đơn vị phải căng sức chống đỡ với tình trạng lâm tặc xâm nhập vào rừng để khai thác lâm sản. Vào mùa này, những cánh rừng bắt đầu rụng lá, các cây bụi chết khô, các đường mòn dẫn vào rừng khô ráo; địa hình bằng phẳng với khoảng 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư, đường giao thông, các khu rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng nên người dân có thể dễ dàng sử dụng các độ chế như xe đạp, xe máy, xe máy cày… để vận chuyển lâm sản trái phép. Vườn hiện có vùng đệm rộng tiếp giáp với 7 xã, 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập phụ thuộc rất lớn vào rừng, đặc biệt là vào mùa khô, phần lớn cư dân xung quanh rừng đang ở thời điểm nông nhàn, lại là dịp cuối năm có nhiều hoạt động lễ, tết diễn ra nên người dân cần tiền để chi tiêu, nên họ tập trung vào vườn để khai thác lâm sản trái phép kiếm thêm thu nhập.
Một cây gỗ bị chặt hạ ở VQG Yok Đôn. |
Tương tự, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, vào mùa khô, lâm tặc ở các tỉnh Phú Yên, Gia Lai thường xuyên xâm nhập vào để khai thác lâm sản. Lâm tặc chủ yếu dùng xe máy độ chế, men theo những con đường mòn vào rừng chuyển gỗ ra ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ngoài 9 trạm kiểm lâm đóng ở các vị trí nhạy cảm của rừng, 2 năm nay đơn vị còn phải thành lập thêm 3 lán tạm ở những điểm nóng vùng giáp ranh tại tiểu khu 623 (thuộc quản lý của trạm 4), tiểu khu 616, 618 (thuộc trạm 5) . Mỗi lán như vậy có 5-6 người túc trực trong thời gian một tuần. Ở những lán tạm này cuộc sống của kiểm lâm hết sức vất vả, không có điện, không sóng điện thoại…, thực phẩm không có nơi bảo quản nên bữa ăn chủ yếu là cơm vời cá khô và rau rừng. Ông Bùi Đình Kính, Trưởng phòng Pháp chế Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết: “ Vào mùa khô thì đường sá, thời tiết thuận tiện cho lâm tặc hoạt động nhưng đối với lực lượng giữ rừng thì khó khăn bội phần vì vừa phải tăng cường việc tuần tra kiểm soát tình trạng vi phạm lâm luật, vừa phải thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy”.
Cũng vào mùa khô, các khu rừng luôn đối diện với nguy cơ cháy cao, đặc biệt là là nguy cơ đến từ tập quán đốt rừng làm rẫy tràn lan của người dân. Trong mùa khô năm 2014-2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng gây thiệt hại 205,5 ha, làm 2 người chết, mà trong đó chủ yếu nguyên nhân từ đốt rừng làm rẫy mà ra.
Để đối phó kịp thời tình hình trên, ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý triệt để; các chủ rừng tăng cường tối đa nhân lực, phương tiện tuần tra, kiểm soát trên diện tích rừng được giao quản lý; thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vận động nhân dân địa phương ở các khu vực gần rừng cùng tham gia bảo vệ rừng; tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 5-3-2014 của Thủ tưởng Chính phủ và Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 3-12-2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2015-2016; tiếp tục kiểm tra, thực hiện chủ trương xóa các cơ sở mộc dân dụng, các xưởng chế biến lâm sản không đủ điều kiện…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc