Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) được xem là lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tuy nhiên để đạt được chứng nhận này lại là vấn đề không dễ.
Nỗ lực đạt chứng nhận doanh nghiệp KH&CN
Đầu năm 2015, Công ty TNHH Viết Hiền (TP. Buôn Ma Thuột) là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN, đến cuối năm, có thêm 2 doanh nghiệp được công nhận là Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) và Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana). Để đạt được chứng nhận này, các doanh nghiệp đã có nhiều sáng tạo, tích cực đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong. |
Với Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, để được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN (vào tháng 7-2015), Công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị theo công nghệ hiện đại của Đức để chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm đạt chất lượng cao gồm bột ca cao, sôcôla và bơ. Việc áp dụng hệ thống dây chuyền sản xuất tiên tiến đã giúp Công ty giảm bớt số lượng công nhân lao động tại nhà máy; đồng thời, quy trình đóng gói sản phẩm nhanh hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Đặc biệt, Công ty đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình và công nghệ chế biến ca cao, chocolate từ quả tươi” và đưa vào thực tiễn sản xuất. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp không những được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà từ đầu năm 2015 đã xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada. Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh… tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn kinh phí thực hiện các đề tài, dự án và tiếp cận trao đổi thông tin hai chiều. Nổi bật là vào tháng 9-2015, với việc đầu tư xây dựng hệ thống ứng dụng máy móc trong dây chuyền đóng gói bột ca cao với tổng kinh phí 300 triệu đồng, Công ty đã được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) hỗ trợ 100 triệu đồng.
Công ty TNHH Viết Hiền (chuyên chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ cho ngành chế biến cà phê nhân) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại của các nước Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và đầu tư bổ sung vật tư thiết bị để cải tiến khâu sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng, sức lao động trên từng loại sản phẩm. Từ năm 2010, Công ty đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị chế biến ướt và máy sấy cà phê quy mô cụm nông hộ” đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm sau khi chế biến. Kết quả nghiên cứu cũng là một trong những điều kiện để được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.
Cần cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp KH & CN
Theo thống kê của Sở KH&CN, toàn tỉnh hiện có gần 6.000 doanh nghiệp với nhiều loại hình khác nhau thuộc các thành phần kinh tế, do năng lực cạnh tranh thấp, doanh thu, lợi nhuận trước thuế chưa cao nên kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN còn hạn chế. Cụ thể, chỉ mới có 20 doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Trong khi đó, để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, các đối tượng thành lập doanh nghiệp KH&CN phải đạt các điều kiện: hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin - truyền thông, đặc biệt nhất là công nghệ phần mềm tin học; Công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và môi trường; Công nghệ năng lượng mới; Công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định; đồng thời, chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ nêu trên. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế nên không đủ sức đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đành phải sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu; thiếu thông tin, cơ hội tiếp xúc, nắm bắt công nghệ mới, cơ hội hợp tác với các tổ chức KH&CN nước ngoài; khả năng cạnh tranh của sản phẩm hạn chế... là những rào cản để tiến tới thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Dây chuyền đóng gói bột ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn. |
Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các đơn vị. Theo ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn thì đơn vị phải mất thời gian 5 năm để triển khai thực hiện các quy trình nhằm đáp ứng những yêu cầu đề ra. Ngoài việc đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học và đưa vào sản xuất thực tế, Công ty còn đầu tư kinh phí để xây dựng phòng chuyên môn và đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên sâu về nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Bên cạnh những chính sách ưu đãi chung về thuế, tiền thuê đất, nhà xưởng, vay vốn, đầu tư các chương trình phát triển KH&CN… tỉnh cũng đã ưu tiên dành mỗi năm từ 500 triệu - 1 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN. Theo đó, mỗi đơn vị đã được chứng nhận thì tỉnh sẽ hỗ trợ từ 100 triệu - 500 triệu đồng để hoàn thành các chương trình phát triển KH&CN; đồng thời, đôn đốc, hỗ trợ, tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN”.
Phát triển doanh nghiệp KH&CN có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, làm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số 3 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đã được công nhận là hết sức khiêm tốn. Do vậy, trong thời gian tới, các ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát những đơn vị có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đặc biệt là tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN; có cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN đã hình thành, phát triển bền vững...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc