Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập tiền tỷ từ mô hình trồng cây ăn trái

09:44, 19/01/2016
Năm 2010, ông Vũ Văn Vĩnh đưa gia đình từ Đồng Nai đến lập nghiệp tại thôn 3, xã Cư Elang (huyện Ea Kar).

Vốn nắm vững kỹ thuật trồng cây ăn trái, nhận thấy Cư Elang có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây như: cam, quýt, bưởi da xanh nên ông Vĩnh đã mạnh dạn trồng 5 ha cây ăn trái gồm 3.500 cây quýt, 1.000 cây bưởi da xanh và 6.000 cây cam. Đất không phụ công người, sau 5 năm chăm sóc, các cây ăn trái đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi cây cam, quýt cho thu hoạch từ 15-17 kg quả và đến năm 2014 vườn bưởi da xanh của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2015 gia đình ông Vĩnh đã bán ra thị trường 50 tấn quýt, 60 tấn cam và 5 tấn bưởi. Với giá bán trung bình 22.000 đồng/kg quýt, 16.000 đồng/kg cam và 30.000/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng.

Ông Vĩnh bên vườn quýt của gia đình.
Ông Vĩnh bên vườn quýt của gia đình.

Ông Vĩnh chia sẻ, cam, quýt, bưởi đều thuộc cây có múi, nhiều sâu bệnh hại như: nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, ruồi vàng, sâu hại hoa, các loại bệnh nấm trên lá, thân, cành... Nông dân phải thường xuyên thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng tránh phù hợp để quản lý tốt cho vườn cây. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt. Ông Vĩnh khẳng định: “Tuy trồng các loại cây này cần vốn đầu tư ban đầu cao, dày công chăm sóc, nhưng nếu kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì việc thu hồi vốn và khả năng làm giàu là không khó, hiện nay trên thị trường rất chuộng các loại trái cây nội địa, với mức độ tiêu thụ nhanh, tuy số lượng trái cây thu hoạch nhiều như vậy nhưng luôn trong tình trạng thiếu hàng, chỉ cung cấp đủ trong nội tỉnh”.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Vĩnh còn giúp đỡ hàng chục hộ gia đình khó khăn ở địa phương cùng phát triển kinh tế như: cung cấp giống cây trồng cho nhân dân; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để giúp họ phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hoàng Bình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.