Multimedia Đọc Báo in

Triệu phú... chồn hương

07:30, 10/01/2016

Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi động vật hoang dã, anh Nguyễn Bá Hồng, chủ trang trại Hồng - Tiến (470/4 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đã thành công với mô hình nuôi chồn hương gây giống kết hợp với sản xuất cà phê chồn. Không dừng lại ở đó, anh còn tạo ra mô hình liên kết các hộ nuôi chồn với nhau tạo thành một mạng lưới “vệ tinh” để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Dễ như nuôi... chồn

Vào khoảng năm 2009, anh Hồng bắt đầu học hỏi và đầu tư nuôi động vật hoang dã; khi đó, anh nuôi nhiều loại như nhím, kỳ đà, chồn nhung, chim trĩ, chồn hương… nhưng được một thời gian người dân đổ xô nuôi, đầu ra sản phẩm bắt đầu chững lại, giá cả xuống thấp khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Còn riêng đối với chồn hương thì đầu ra của con giống và chồn thương phẩm vẫn ổn định. Theo anh Hồng tính toán, nuôi chồn hương đúng cách là “làm chơi, ăn thật”, vì chồn dễ nuôi, ít bệnh dịch, chi phí đầu tư cho chuồng trại, thức ăn thấp, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Mỗi ngày chỉ cần cho chúng ăn một lần vào buổi tối, chi phí thức ăn chỉ khoảng 1 ngàn đồng/ con. Nuôi chồn cũng không tốn quá nhiều diện tích đất, chuồng được làm từ khung, lưới sắt, mỗi chuồng chỉ rộng chừng nửa mét vuông. Tuy đầu tư ít nhưng thu nhập mà chúng mang lại rất cao, cao hơn nhiều so với những vật nuôi khác. Mỗi cặp chồn giống khoảng 3 tháng tuổi hiện nay trên thị trường có giá khoảng 5 triệu đồng, về nuôi 1 năm là chồn sinh sản, mỗi con chồn cái sinh sản bình quân từ 3-4 con. Sau khoảng 3 tháng người nuôi đã có thể bán giống hoặc gây nuôi chồn thương phẩm.  Gia đình anh Hồng đang nuôi 20 cặp chồn bố mẹ, mỗi năm sinh sản được khoảng 45 con chồn con. Mỗi năm, chỉ riêng tiền bán giống cũng đã mang về cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, số chồn nuôi này còn mang lại thêm nguồn thu nhập lớn từ việc sản xuất cà phê chồn. Anh Hồng nhớ lại: Vào năm 2012, lúc đó đàn chồn anh gây giống đã ổn định số lượng đàn từ 40-50 con, trong khi cà phê chồn trên thị trường đang có giá cao và đang là mặt hàng quý hiếm, vợ chồng anh bắt tay vào tìm hiểu sản xuất cà phê chồn. Anh chị lùng sục khắp các vườn cà phê của người dân trên địa bàn, chọn những vườn cà phê nào trồng theo tiêu chuẩn, rồi trực tiếp vào vườn chọn những cây cà phê đẹp nhất, ngon nhất để hái về cho chúng ăn. “Con chồn rất kén chọn trái cà phê, chúng chỉ ăn những trái cà phê chín mọng, có phần cơm dày, ngọt nên việc tuyển chọn cà phê đầu vào rất quan trọng”- anh Hồng chia sẻ. Do trái cà phê được hái chọn nên giá cả anh thu mua cà phê tươi từ 12-15 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều so với thị trường. (Giá cao nhưng bù lại chất lượng sản phẩm cà phê khi ra thành phẩm có chất lượng cao, thơm ngon hơn hẳn). Cà phê sau đó được đưa cho chồn ăn, cứ mỗi con chồn trưởng thành mỗi đêm có thể “sản xuất” được 0,3kg cà phê. Với mỗi vụ cà phê chín kéo dài khoảng 2 tháng, mỗi con chồn có thể cho ra được khoảng hơn 10kg cà phê chồn. Mỗi kg cà phê chồn dạng thô anh bán với giá 800 nghìn đồng, cà phê bột có giá khoảng 3 triệu đồng. Tính ra mỗi vụ cà phê, đàn chồn của trang trại anh có thể sản xuất được khoảng 4 tạ cà phê thô, với giá cả như hiện nay, việc sản xuất cà phê chồn cũng mang lại cho anh hơn 200 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Bá Hồng đang thu sản phẩm cà phê chồn.
Anh Nguyễn Bá Hồng đang thu sản phẩm cà phê chồn.

Liên kết để phát triển

Với giá cả hợp lý, chất lượng sản phẩm bảo đảm, cà phê chồn Hồng - Tiến đã được nhiều du khách gần xa biết đến, trở thành một món quà mang cho du khách gần xa khi đến với Đắk Lắk. Người dân đến đây được tham quan mô hình nuôi chồn lấy cà phê, uống thử cà phê chồn; người có nhu cầu mua sản phẩm anh sẽ tự tay chế biến, rang xay cho khách. Tiếng lành đồn xa, năm 2013, một đối tác kinh doanh nước ngoài đã đến tận nơi, tận mắt chứng kiến từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm cà phê chồn và kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cà phê chồn của trang trại. Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng gia đình mình, anh Hồng còn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chồn, sản xuất cà phê chồn cho các hộ nông dân có nhu cầu. Trang trại của anh vẫn thường xuyên đón các đoàn từ nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh khác đến tham quan và học tập kinh nghiệm. Những người mua giống tại đây, ngoài việc được hướng dẫn tận tình còn được chủ trang trại cam kết sẽ tiêu thụ chồn giống, cà phê chồn mà họ sản xuất ra theo một mức giá hợp lý nhất. Qua việc làm này, chủ trang trại Hồng - Tiến đã tạo ra một mạng lưới hàng chục hộ nuôi chồn hương trong và ngoài tỉnh - như các xí nghiệp “vệ tinh” giao kết bán sản phẩm cho trang trại của anh. “Với việc buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã nhiều năm nên chúng tôi đã có nhiều bạn hàng quen biết, khi họ có nhu cầu lớn về con giống cũng như cà phê chồn, chúng tôi sẽ lấy nguồn hàng từ các “vệ tinh”, qua đó sẽ giúp cho người nuôi có thể tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, ngược lại cũng giúp trang trại bảo đảm được nguồn cung liên tục cho thị trường”- anh Hồng chia sẻ. Khi được hỏi vì sao giá cà phê chồn thành phẩm trên thị trường có giá khoảng 1.500 USD/kg, mà trang trại chỉ bán với giá 150 USD/kg, chị Nguyễn Thị Kim Tiến bộc bạch: “Giá như vậy là người sản xuất cà phê chồn đã có lãi. Và điều trang trại muốn hướng đến chính là mang sản phẩm cà phê chồn thơm ngon, độc đáo đến với đông đảo giới sử dụng cà phê với giá bình dân, hợp lý nhất để chính người trồng cà phê cũng có thể đủ khả năng thưởng thức những ly cà phê do chính mình làm ra. Ngoài ra, những người sản xuất cà phê chồn khi liên kết với nhau sẽ có cơ hội lớn hơn mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng tầm sản phẩm cà phê chồn thành một thương hiệu tầm cỡ chung của tỉnh Đắk Lắk, không còn bó hẹp trong những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nữa, đồng thời nâng cao giá trị cho hạt cà phê, giúp người trồng cà phê cải thiện đời sống”. 

Bà Tống Thị Điệp, Chủ tịch hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay trên địa bàn có nhiều hộ nuôi động vật hoang dã, tuy nhiên, để trụ vững với nghề lâu năm và phát huy hiệu quả như trang trại Hồng - Tiến thì không nhiều. Tuy nhiên, chủ trang trại không “giấu nghề” mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình cho người dân, tổ chức có nhu cầu học hỏi.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.