Multimedia Đọc Báo in

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk

Phát triển vì một nền nông nghiệp bền vững

09:50, 03/02/2016

Qua gần 25 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk không ngừng khẳng định vai trò, năng lực của mình trong việc quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo công trình thủy lợi hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk (tiền thân là Công ty Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk) hiện đang quản lý 553 công trình, gồm: 433 hồ chứa, 105 đập dâng và 15 trạm bơm, phục vụ tưới hơn 81.000 ha cây trồng các loại cũng như cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. 

Theo Ban giám đốc, dấu mốc quan trọng đánh giá năng lực và sự lớn mạnh của Công ty chính là khi UBND tỉnh ký Quyết định số 38/QĐ-UBND về ban hành phân cấp, quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tại quyết định này, tỉnh đã giao cho Công ty trực tiếp quản lý 554 công trình thủy lợi (trước đó Công ty quản lý 14 công trình), đến nay Công ty đã tiếp nhận từ các huyện được 539 công trình, 3 tuyến kênh. Đặc biệt, cùng với việc tiếp nhận các công trình cũng là lúc bước vào phục vụ tưới cho vụ đông xuân 2014-2015, trong khi các công trình tiếp nhận theo Quyết định 38 hầu hết là công trình nhỏ, nằm phân tán, rất nhiều công trình xuống cấp, trong đó có trên 40 công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, yêu cầu phải sửa chữa cấp bách. Cùng với những khó khăn trên, năm 2014 cũng bắt đầu cho chu kỳ Elnino 2014-2016, lượng mưa trên địa bàn thấp, mùa mưa kết thúc nhanh nên nhiều công trình không tích đủ nước, cộng với tại thời điểm bàn giao (đã sang tháng 12, nhân dân bắt đầu gieo trồng chính vụ đông xuân 2014-2015) nhưng hầu như chưa có công trình nào được chuẩn bị để phục vụ cho sản xuất đông xuân; một số địa phương lại chưa thống nhất cao với chủ trương phân cấp này nên trong quá trình chuyển giao, phục vụ đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc .

Ông Lê Gia Dậu (người đứng giữa), Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra sự cố đập Yang Kang thượng (huyện Krông Bông).
Ông Lê Gia Dậu (người đứng giữa), Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra sự cố đập Yang Kang thượng (huyện Krông Bông).

Mặc dù khó khăn chồng chất như vậy nhưng với sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao, Công ty đã xử lý linh hoạt, thực hiện hai việc cùng một lúc, đó là vừa tiếp nhận, vừa tổ chức phục vụ sản xuất ngay. Trong vòng 20 ngày sau khi triển khai bàn giao, về cơ bản Công ty đã hoàn thành bước một của công tác bàn giao, sau đó tập trung ngay vào nhiệm vụ phục vụ sản xuất đông xuân 2014-2015 như: tu bổ, sửa chữa những hư hỏng cấp bách của các công trình để bảo đảm phục vụ tưới cho sản xuất đông xuân. Ngoài ra, Công ty đã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống hạn, cụ thể là: ở những công trình thiếu nước trầm trọng, công ty thống nhất với địa phương không tổ chức gieo cấy theo kế hoạch mà chỉ gieo cấy ở một số diện tích bảo đảm nước tưới; đối với các công trình bảo đảm tưới theo thiết kế thì tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương để bảo đảm thời gian dẫn nước và chống thất thoát; xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ, thực hiện tưới luân phiên cho từng khu vực; tăng cường lực lượng quản lý các hệ thống và công trình trên kênh để điều tiết cho phù hợp và tránh tranh chấp nguồn nước; đến cuối vụ, nhiều công trình bị cạn khô hoặc dưới mực nước chết, Công ty phải dùng 19 máy bơm hiện có, đồng thời mua thêm 15 máy bơm và hỗ trợ dầu cho các hộ dân phục vụ bơm tát chống hạn. Chính nhờ những giải pháp phù hợp, cộng với sự tích cực sáng tạo trong xử lý chống hạn, Công ty đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất đông xuân trong thời điểm khó khăn nhất. Trong số diện tích do Công ty phụ trách (trên 56.000 ha) chỉ có gần 6.263 ha cây trồng các loại bị thiếu nước. Kết thúc vụ đông xuân 2014-2015 hầu hết các công trình đã cạn kiệt nguồn do Elnino, mùa mưa 2015 lại đến muộn, công ty đã tham mưu cho tỉnh và các địa phương chủ động chuyển dịch thời điểm gieo cấy vào cuối tháng 6, tránh tổn thất do hạn hán gây ra. Tuy nhiên, một số vùng trũng của huyện Lắk và Krông Bông người dân lại tổ chức gieo cấy sớm để chạy lũ tiểu mãn, nên đã không tránh khỏi hạn hán. Trước tình hình trên, công ty đã tổ chức bơm nước từ dưới sông Krông Ana lên chống hạn và không để diện tích nào bị mất trắng…

Ngoài việc phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, Công ty là một đơn vị hàng đầu của ngành trong việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Với phần mềm quản lý và điều tiết hồ chứa, các công trình như Ea Súp, Krông Búk Hạ, Buôn Yoong đã hoàn toàn chủ động trong điều tiết lũ. Trong những năm gần đây, các công trình do Công ty quản lý đã được bảo đảm an toàn tuyệt đối, các biện pháp xả lũ của công trình đã giảm thiểu tối đa các thiệt hại cho vùng hạ du.

Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk cho biết, là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động công ích phục vụ sản xuất kinh doanh không vì mục đích lợi nhuận, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Hội đồng thành viên và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của Ban giám đốc công ty, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đời sống người lao động được bảo đảm, thu nhập tăng ổn định, năm 2014 bình quân 90 triệu đồng/người/năm; giải quyết công ăn, việc làm cho 335 lao động và 292 cán bộ thủy nông cơ sở. Các quyền lợi và chế độ của người lao động được lãnh đạo quan tâm, các nghĩa vụ với Nhà nước được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Những công trình do Công ty quản lý được bảo đảm an toàn tuyệt đối, nguồn nước cung cấp cho sản xuất đầy đủ, hạn chế tối đa để xảy ra hạn hán đối với những diện tích do công ty quản lý trong cả những năm khó khăn về nguồn nước nhất. Với những thành tích nêu trên, trong những năm qua, tập thể và cá nhân của đơn vị đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh. 

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.