Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn

07:37, 08/02/2016

Dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhưng năm 2015 lại là năm đánh dấu mốc thành công của ngành nông nghiệp khi số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực này tăng mạnh, hứa hẹn sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân địa phương. 

Cải thiện môi trường đầu tư…

Những năm trở lại đây, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn từng bước được đẩy mạnh đã cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Điển hình là chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào nông thôn như đất đai, đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ, khả năng tham gia và tiếp cận thị trường… theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, nhằm phát huy tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, năm 2013 Thủ tướng tiếp tục ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thực hiện, quy trình nhận hỗ trợ, điều kiện ưu đãi rõ ràng minh bạch, có văn bản cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, khi doanh nghiệp hoàn thành đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhỏ (đào tạo, quảng cáo…) và được trừ vào chi phí của doanh nghiệp khi quyết toán thuế; hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm khuyến khích doanh nghiệp đến các vùng sâu vùng xa… Mức hỗ trợ cho từng lĩnh vực cụ thể như chăn nuôi gia súc tập trung (3-5 tỷ đồng/dự án); hỗ trợ vận chuyển 1.500 đồng/tấn/km; bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản (50% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong hàng rào, 70% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào)… 

Nuôi cá tầm tại  Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam-Đắk Lắk.
Nuôi cá tầm tại Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam-Đắk Lắk.

Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, như quy định rõ các chỉ số phát triển, quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012-2015 định hướng đến năm 2020... tạo cơ chế pháp lý, hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư lựa chọn vùng đất xây dựng các dự án. Theo quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, dự báo đến năm 2020 đất trồng cây hằng năm của toàn tỉnh là 213.456 ha, trong đó đất trồng lúa 62.634 ha, đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi 5.000 ha, đất trồng cây hằng năm khác 145.822 ha. Như vậy, ngoài 5.000 ha đất đã được bố trí trồng cỏ, khi chăn nuôi phát triển có thể chuyển đổi một phần đất trồng cây hằng năm khác cho chăn nuôi. Đến năm 2020 còn có 665.717 ha đất rừng và 28.856 ha đất đồi chưa sử dụng trong đó có thể sử dụng đất dưới tán rừng có địa hình thấp và đất trống, đồi núi trọc chưa sử dụng làm bãi chăn thả đồng thời chế biến các phụ phẩm như rơm, rạ, ngọn mía, dây khoai lang… bổ sung thức ăn cho gia súc. 

…Và những dự án đầy hứa hẹn

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đắk Lắk, đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng để gia tăng giá trị sản xuất. Trong đó, một trong những giải pháp được đưa ra mang tính cốt lõi đã và đang được Đắk Lắk đẩy mạnh thực hiện đó là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa các giống cây trồng vật nuôi mới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cũng nhờ các dự án được triển khai mà các giống vật nuôi cao cấp như bò Úc, cá tầm, cá hồi, bò sữa… được triển khai nuôi trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi tư duy sản xuất của các địa phương. 

Vỗ béo bò tại Công ty TNHH chăn nuôi Phúc Lâm, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.
Vỗ béo bò tại Công ty TNHH chăn nuôi Phúc Lâm, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.

Sau hơn 4 năm triển khai dự án nuôi cá tầm tại xã Nam Ka (huyện Lắk) với tổng số vốn đầu tư 296,9 tỷ đồng, đến nay Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam-Đắk Lắk đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 98 lồng nuôi (56 lồng kích thước 6 x 6 x 4m, 12 lồng kích thước 20 x 20 x 10m, 30 lồng có kích thước 6 x 12 x 4m với diện tích mặt nước sử dụng là 8.976 m2. Tổng số cá đang được công ty nuôi là 431.658 con các loài Sterlet, Lebel, Siberi, Russolenti…, tổng sản lượng ước đạt trên 1.000 tấn. Trong đó, hơn 398.100 con được thả từ đầu năm nay, tổng trọng lượng đạt 689 tấn (bình quân 1,7 kg/con), tốc độ tăng trưởng trung bình trên 57%; 16.540 con thả nuôi từ năm 2014, sản lượng ước tính trên 54,35 tấn (bình quân 3,28 kg/con), tốc độ tăng trưởng 16%; 17.000 con cá lớn tổng sản lượng hơn 282 tấn (trung bình 7,67-15 kg/con), tốc độ tăng trưởng 10-15%. Để từng bước hiện đại hóa nuôi cá tầm, hiện tại công ty đang từng bước đầu tư hệ thống máy móc, cải thiện đường điện để áp dụng hệ thống lồng nuôi cho ăn tự động theo công nghệ Na Uy. 

Tương tự, các hợp phần của dự án chăn nuôi 10.000 con bò sữa với hệ thống nhà máy chế biến sữa tiệt trùng, Yaourt, phối trộn thức ăn TRM, Silos ủ chua… của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại XNK Phước Thành (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) đang từng bước triển khai đi vào hoạt động. Đến nay, dự án đang hoàn thành thủ tục để nhập khẩu bò từ Mỹ, liên kết với Công ty Bio-Aqua (Đan Mạch) xây dựng hệ thống xử lý nước sạch cho trại chăn nuôi và người dân buôn Cham; thiết kế xây dựng chuồng trại, nhà máy vắt sữa; tiến hành liên kết với người dân địa phương để trồng cỏ cao sản, bắp làm thức ăn cho bò… Ngoài ra, Công ty còn tuyển dụng 102 lao động, trong đó 76 nhân viên là người dân địa phương (chiếm 74,5%)… 

Còn với dự án chăn nuôi 2.000 con bò lai Sind trên diện tích 171 ha tại xã Ea Kiết (Cư M’gar) với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, đến thời điểm này Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Lâm đã xây dựng được 3 chuồng nuôi với 400 con bò sinh sản và vườn bắp để lấy nguồn thức ăn xanh giàu dinh dưỡng. Ông Phan Đình Huy, Giám đốc công ty cho biết, trong 2.000 con bò thì công ty sẽ chăn nuôi tập trung 495 con, còn 1.505 con phân tán cho các hộ dân xã Ea Kiết. Hiện tại, đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương thành lập danh sách hộ dân có nhu cầu liên kết chăn nuôi, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ chính sách, hộ sống gần rừng. Dự kiến đầu năm 2016 sẽ triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn làm chuồng trại và cấp 100 con giống cho 50 hộ dân. Khi tham gia dự án, các hộ dân sẽ hưởng lợi 50% lợi nhuận có được trong chăn nuôi. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar chia sẻ, những năm trở lại đây chăn nuôi ngày càng phát triển. Việc Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Lâm đầu tư dự án chăn nuôi bò tại xã Ea Kiết với quy mô lớn kết hợp kỹ thuật chăn nuôi mới đang dần thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương. Thay vì chăn thả tự do, để bò tự tìm thức ăn trong tự nhiên thì người dân địa phương đã biết cải tạo đàn bò bằng các giống bò lai; trồng cỏ, bổ sung thức ăn vào cuối ngày; tách đàn, vỗ béo những còn bò sắp xuất chuồng để bán được giá hơn; che chắn chuồng trại vào mùa khô hanh; vệ sinh đàn bò thường xuyên… 

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ, các “ông lớn” trên các lĩnh vực đã và đang tiếp cận với ngành chăn nuôi Đắk Lắk trên quy mô lớn và đang từng bước làm thay đổi diện mạo nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng. Để các dự án thực sự là “bệ phóng” thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, thời gian tới Sở cùng với Ban chỉ đạo các dự án chăn nuôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai của các dự án để phát huy hiệu quả như cam kết của nhà đầu tư. 

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.