Khơi dậy tiềm năng và thế mạnh vùng biên
Có vai trò đặc biệt về vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trong những năm qua, vùng biên giới của tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển. Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế quan trọng này, chính là góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của tỉnh, cũng như vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển.
Xác lập thương hiệu nông sản
Ông Hồ Phẩm ở thôn 3, xã Ea Lê dẫn chúng tôi đi thăm diện tích lúa mà gia đình ông đã tham gia vào cánh đồng mẫu lớn của xã năm 2012. Chỉ tay về phía cánh đồng lúa mới được gặt xong còn thơm mùi rơm rạ, ông bảo, cuộc sống người dân nơi đây nương nhờ vào cây lúa, đổi thay cũng từ cây lúa. Gia đình ông vào định cư, lập nghiệp ở thôn 3, xã Ea Lê đã gần 40 năm, cuộc sống ở vùng biên ngày ấy vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, điều kiện sản xuất lại không thuận lợi bởi nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, đất cằn cỗi, nắng thì hạn, mưa thì ngập úng. Gia đình ông phải cải tạo để lấy đất trồng lúa, nhưng thời đó chưa nắm chắc được thời vụ, thiếu nước, mỗi năm chỉ gieo được 1 vụ, thời gian còn lại cả cánh đồng gần như sa mạc. Cuộc sống của gia đình ông và người dân nơi đây chỉ đổi thay khi các công trình thủy lợi được Đảng, Nhà nước đầu tư, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, nước được dẫn về từng cánh đồng. Cả một vùng cằn cỗi giờ đã trở thành cánh đồng trù phú. Ông Lê Hoàng Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê chia sẻ, cây lúa ở Ea Lê có nhiều lợi thế và được tạo điều kiện để gánh trên mình vai trò là cây kinh tế chủ lực của địa phương. Để từng bước nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng chủ lực này, năm 2012, xã đã vận động người dân tham gia cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 50 ha, giống lúa chủ yếu là ML48 cho cơm dẻo, chịu hạn tốt. Kể từ khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, hoạt động sản xuất của người dân trở nên thuận lợi hơn. Tất cả đều đồng bộ từ lúc sạ giống cho đến khi thu hoạch cho nên bảo đảm mùa vụ theo đúng kế hoạch, tiết kiệm nhiều chi phí trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh. Mặc dù chất lượng gạo bảo đảm, thơm ngon là vậy nhưng do địa bàn xa, đường giao thông đang xuống cấp trầm trọng nên việc tiêu thụ vẫn bị tư thương ép giá. Trên địa bàn xã hiện có Cụm công nghiệp Ea Lê đang được đầu tư xây dựng, ưu tiên thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản đặc biệt là lúa gạo tham gia. Hy vọng, trong thời gian không xa, hoạt động chế biến lúa gạo sẽ được chuyên nghiệp hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
Người dân đánh bắt cá ở hồ Ea Súp Thượng. |
Với lợi thế về nguồn nước từ hồ thủy lợi Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ và đập dâng Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) diện tích lúa ở Ea Súp đang ổn định ở con số trên 13.000 ha mỗi năm, trong đó lúa 2 vụ khoảng 4.500 ha. Nguồn nguyên liệu ổn định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển thương hiệu lúa gạo Ea Súp. Để hiện thực được giấc mơ về thương hiệu lúa ở vùng biên có lẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng như tin tưởng của ông Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Huyện ủy Ea Súp, lúa gạo nơi đây được chắt chiu qua nắng gió biên thùy cùng bao giọt mồ hôi của người nông dân một nắng hai sương của vùng biên khốn khó và nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, đã dần khẳng định vị thế của mình. Tuy việc xây dựng thương hiệu hàng hóa rất khó đối với một huyện biên giới như Ea Súp, nhưng chỉ có tạo nên thương hiệu thì nông sản mới tìm được đầu ra ổn định và nâng cao được vị thế của mình. Chính vì vậy, Đảng bộ huyện Ea Súp đang nỗ lực khắc phục những khó khăn đặc thù, nỗ lực xây dựng thương hiệu cho lúa gạo nơi đây, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương.
Đẩy mạnh phát triển thương mại cửa khẩu
Năm 2007, Cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết nằm trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp (tiếp giáp với huyện Cô Nhéc tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia. Đây là cửa khẩu có tiềm năng lớn trong giao thương kinh tế, đối ngoại giữa 2 nước nói chung, vùng biên giới 2 tỉnh nói riêng. Ngày 31-12-2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 3535/QĐ - UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm cửa khẩu Đắk Ruê, với diện tích hơn 60 ha, là cửa khẩu cấp quốc gia, khu kinh tế, thương mại dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh. Ngày 26-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đến năm 2020; theo đó cửa khẩu Đắk Ruê nằm trong danh mục các cửa khẩu ưu tiên mở, nâng cấp hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị theo phân kỳ đầu tư; là loại cửa khẩu chính, sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2013 - 2015 và được đầu tư nâng cấp từ 2016 - 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết vẫn chưa đi vào hoạt động bởi cơ sở hạ tầng, đường giao thông khu vực này chưa hoàn chỉnh. Hoạt động thương mại trong khu vực biên giới của địa phương cũng như tình hình thu hút đầu tư, kêu gọi vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu vì vậy vẫn chưa có kết quả. Nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch xây dựng vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng khu vực này là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế cửa khẩu và công nghiệp chế biến... Theo đó, tận dụng tối đa lợi thế liên kết vùng để xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê cùng các đô thị hạt nhân, điểm dân cư nông thôn phát triển bền vững, trong đó, lấy đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật làm khâu đột phá. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Huyện ủy Ea Súp cho biết, chính quyền địa phương đang nỗ lực vượt qua những khó khăn đặc thù để thúc đẩy kinh tế thương mại biên giới phát triển. Hy vọng, với sự quan tâm của Nhà nước, hoạt động thương mại biên giới của Ea Súp nói riêng, Đắk Lắk nói chung sẽ phát triển xứng với tiềm năng, nhất là sau khi Quốc lộ 29 từ cảng Vũng Rô (Phú Yên) hoàn thành, cửa khẩu Đắk Ruê sẽ là điểm cuối, hoạt động thương mại quốc tế giữa Campuchia với Đắk Lắk và các tỉnh Nam Trung Bộ lúc đó càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biên giới nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Tuệ Anh
Ý kiến bạn đọc