Multimedia Đọc Báo in

Thôn M'Dhar mùa xuân này

06:30, 05/02/2016

Thôn M’Dhar 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) những ngày cuối năm nông dân đang tất bật thu hoạch cà phê. Lão nông Thái Văn Chát, một trong những nông dân ở đây đang khá lên từ cây cà phê và hồ tiêu cho hay, tất cả là nhờ… có điện!

Dòng điện đưa nước về làm mát những cánh đồng lúa, rẫy cà phê, hồ tiêu, điện phục vụ tưới tiêu lại càng ý nghĩa hơn với một huyện vốn không được thiên nhiên ưu ái cả về thổ nhưỡng, khí hậu và có thừa nắng nóng như Buôn Đôn này.

Niềm vui về sự thay da đổi thịt của thôn M’Dhar 3 bây giờ dường như hiện rõ trong từng khuôn mặt người già, trẻ nhỏ. Ánh sáng của dòng điện không chỉ xua đi cái tối mịt mùng mỗi khi màn đêm buông mà còn đẩy lùi cái đói nghèo, cực khổ, khơi dậy cái chữ cho trẻ em trong thôn.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk kiểm tra công tơ điện của khách hàng tại thôn M’Dhar 3.
Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk kiểm tra công tơ điện của khách hàng tại thôn M’Dhar 3.

Thôn M’Dhar 3 là một trong những thôn đầu tiên trong tỉnh có điện từ chương trình Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt vào tháng 4-2006 với mục tiêu góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Đối với tỉnh Đắk Lắk, dự án được thực hiện ở 315 thôn, buôn thuộc 11 huyện. Tại thôn M’Dhar 3, đúng vào dịp 2-9-2008, niềm vui càng nhân lên gấp bội khi lần đầu tiên, 77 hộ dân nơi đây biết đến nguồn sáng của ánh điện. Ông Chát nhớ lại, có lẽ ngày đó là dấu ấn khó quên đối với cuộc đời ông. Bởi, khi ông vừa mới xây xong căn nhà thì cũng đúng thời điểm điện lưới quốc gia được kéo về thôn. Chính những công nhân ngành điện đã đến tận nơi, nối từng mối điện cho ngôi nhà mới của ông, vì vậy mà ông hay nói vui với con, cháu rằng, ở cái làng này, gia đình ông là những người đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của dòng điện. Ông chia sẻ, cảm xúc lúc đó thật khó tả, mừng đến nỗi, vợ ông đi khắp một lượt trong nhà, bật từng công tắc bóng điện rồi đứng ngắm say sưa chứ không dám bật ti vi lên xem vì còn để… nhường phần cho chồng! Đứa con gái nhỏ thì cầm ngay chiếc điện thoại lên háo hức khoe với chị nó đang học ở TP. Hồ Chí Minh rằng nhà mình có điện rồi chị ơi. Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc lớn nhất của gia đình ông.

Trong ký ức của những người đầu tiên đặt chân đến mảnh đất M’Dhar này như ông Chát, chẳng ai có  thể quên được cái ngày chưa có điện. Đêm đến thôn xóm leo lét ánh đèn dầu, nhà nào “khấm khá” hơn thì  có bình ắc quy loại 12V thắp sáng nhưng cứ 5 - 7 ngày phải lặn lội hơn 7 cây số chở bình đi sạc.  Ông Vũ Quyết Chiến, Trưởng thôn chia sẻ, ở đây đất đai khô cằn, nắng đến chói chang và đất lúc nào cũng bạc phếch nên trồng cây gì cũng khó. Khi chưa có điện, khổ nhất là việc đưa nước về tưới cho vườn cây, một năm phải tưới cả chục đợt, cứ mỗi đợt như thế, chỉ riêng tiền dầu, tiền công đã ngót nghét gần 5 triệu đồng. Bây giờ, chuyện đó đã thành “quá khứ”, bởi chỉ cần bật công tắc điện là đã có nước về tận vườn, chi phí, công sức lại giảm đi 3 lần so với trước. Nhờ có điện, mọi thứ đã khác, điện phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho nhiều hộ đẩy mạnh chăn nuôi, tăng gia sản xuất; rẫy cà  phê, hồ tiêu thêm tươi tốt, cuộc sống từng bước đi vào ổn định… Ông Chiến cho hay, từ những nông dân tay trắng, giờ đây nhiều người trong thôn đã có thể sắm sửa các vật dụng hiện đại trong nhà. Thôn M’Darh 3 hiện có 95 hộ với 445 khẩu, số hộ khá, giàu chiếm gần 70%, trên 10 hộ có thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm, nhiều nhà có con, em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

Chiều cuối năm, đường về thôn M’Darh 3 dường như gần hơn, không chỉ là thắp sáng, điện đã kéo theo no ấm về với dân làng, đường sá được trải nhựa, nhiều ngôi nhà khang trang, sân phơi rộng thênh thang mọc lên, những hàng cột điện thẳng tắp, rẽ nhánh đi vào từng con đường làng yên ả. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, điện về, thôn xóm thay da đổi thịt, đời sống của bà con đang khấm khá lên từng ngày… 

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.