Thu hút đầu tư từ liên kết vùng miền
Có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh của khu vực, Đắk Lắk đang từng bước phát huy thế mạnh, mở rộng hoạt động liên kết, hợp tác trở thành điểm đến tiềm năng của nhiều nhà đầu tư.
Dấu ấn hợp tác Đắk Lắk – TP. Hồ Chí Minh
Năm 2002, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh ký kết chương trình hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa - du lịch. Từ chương trình hợp tác này, Đắk Lắk đã thu hút nhiều dự án (DA) đầu tư, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2010-2015, hai địa phương tiếp tục khẳng định sự hợp tác phát triển toàn diện này để phát huy lợi thế, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập. Trong 5 năm, có 29 DA của các doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng. Các DA hoàn thành và đi vào hoạt động đã tác động lớn đến chuyển dịch kinh tế của tỉnh, trong đó một số DA có quy mô đầu tư lớn như: Trung tâm Metro Cash & Carry Buôn Ma Thuột; Xí nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột; Trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim; Nhà máy điện gió của Công ty TNHH H & Brother Real Estate... đã tạo nguồn thu lớn về ngân sách và các khoản đóng góp khác trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư) cho biết: Sự liên kết hợp tác khá toàn diện trên các lĩnh vực giữa TP. Hồ Chí Minh và Đắk Lắk đã góp phần giúp địa phương từng bước tạo dựng vị thế trong khu vực, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa vùng Tây Nguyên. Có thể thấy sự tác động tích cực này rõ nét qua hoạt động hợp tác phát triển thương mại - du lịch. Với sự hợp tác trên nhiều mặt như: xúc tiến, quảng bá du lịch, quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực... đã giúp Đắk Lắk thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hoàn chỉnh mảng du lịch nội địa, giảm chi phí, mang lại nhiều lợi ích chung cho hai địa phương. Bên cạnh đó, qua các sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Du lịch tổ chức mà Đắk Lắk đã tham gia như: Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ du lịch quốc tế - ITE; Liên hoan ẩm thực đất phương Nam..., hình ảnh du lịch và ẩm thực độc đáo của địa phương được giới thiệu rộng rãi đến người dân của TP. Hồ Chí Minh và du khách quốc tế. Có thể nói, trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, việc tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài đã góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống của người dân, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Chương trình hợp tác giữa Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.Trong ảnh: Du khách cưỡi voi tham quan tại khu du lịch Bản Đôn. |
Cơ hội mở từ những diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực
Kể từ năm 2009, sau thành công của Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ I được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, định kỳ 2 năm diễn đàn xúc tiến đầu tư được Bộ Kế hoạch Đầu tư và các tỉnh Tây Nguyên cùng phối hợp tổ chức. Qua diễn đàn, những tiềm năng vốn có của Tây Nguyên trong phát triển kinh tế mở, đã được nhìn nhận một cách đầy đủ từ Chính phủ đến từng địa phương trong khu vực. Sự cam kết chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương đã thúc đẩy một cách hiệu quả và liên tục hoạt động đầu tư vào vùng Tây Nguyên, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong huy động, phân bổ, điều tiết nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Cũng từ các diễn đàn xúc tiến đầu tư mà tính liên kết giữa các vùng với Tây Nguyên trong các hoạt động đầu tư - kinh doanh đặc biệt coi trọng. Sự “cởi mở” thể hiện rõ nhất là chính quyền địa phương 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng chính thức cùng tuyên bố quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của địa phương, khắc phục những hạn chế về chỉ số năng lực cạnh tranh, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đến đầu tư.
Xưởng chế biến cà phê xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột. |
Cùng với đà tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng DA thu hút tăng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội tại Đắk Lắk ngày càng tăng. Để Đắk Lắk trở thành tỉnh phát triển về công nghiệp cũng như Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên và đô thị hạt nhân trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, thì thu hút vốn đầu tư được coi là khâu quan trọng, mang tính đột phá. Ông Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh đã không ngừng tăng cường hoàn thiện cơ chế, ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng cho các DN. Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh từng bước đổi mới theo hướng xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng điểm, địa bàn phù hợp, nhà đầu tư chiến lược và các dự án có tính động lực, lan tỏa cao. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, từ năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế “một cửa” tại các sở, ban ngành; hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA... Tất cả những việc làm trên đảm bảo cho các chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được xuyên suốt, toàn diện. Trong 5 năm 2011 - 2015, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 200 DA đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng gần 20.000 tỷ đồng.
Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Đắk Lắk được ví như chiếc cầu nối giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên và vùng hạ Lào cũng như vùng Đông Bắc Campuchia. Ngoài tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, tỉnh còn có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng khác nhau như vàng, chì, than bùn, đá quý, đá xây dựng... được phân bố ở nhiều nơi thích hợp để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến... Bên cạnh đó, trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, Đắk Lắk đang huy động tối đa nguồn lực trong tỉnh và tranh thủ sự hợp tác trong và ngoài nước để từng bước trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển du lịch. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc