Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột trên đường hiện thực mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

12:59, 10/03/2016

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Buôn Ma Thuột hôm nay đã và đang đổi thay từng ngày. Một đô thị đáp ứng các tiêu chí về hiện đại văn minh nhưng vẫn gìn giữ được nét truyền thống và mang bản sắc riêng là những mục tiêu quan trọng mà thành phố này đang hướng đến trên con đường nỗ lực  trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Dấu ấn tăng trưởng

Đã qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020), vượt qua những khó khăn, thách thức, Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Giai đoạn 5 năm 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt kết quả khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các nguồn lực được phát huy. Sự chuyển biến ấy thể hiện rõ ở quy mô kinh tế năm 2015  tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 12,41% (cao hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh); thu nhập bình quân đầu người năm 2015 (theo giá hiện hành) đạt 53,4 triệu đồng, gấp 1,85 lần so với năm 2010; công nghiệp - xây dựng có tốc độ phát triển khá, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư... Ông Phan Xuân Mạo, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết, công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,67%, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đến cuối năm 2015 đạt 7.272 tỷ đồng, tăng 1,85 lần so với 2010. Cụm Công nghiệp Tân An tiếp tục được xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và tăng dần hiệu quả hoạt động, một số nhà máy chế biến nông sản với công nghệ hiện đại đi vào sản xuất, đổi mới công nghệ gắn với bảo vệ môi trường. Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, đáp ứng khá tốt các nhu cầu của xã hội và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,8%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến cuối năm 2015 ước đạt 25.161 tỷ đồng, tăng 2,37 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 31.496 tỷ đồng, tăng trên 17.700 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2010...

Đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột - một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh  và thành phố Buôn Ma Thuột đang trong quá trình hoàn thiện.
Đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột - một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và thành phố Buôn Ma Thuột đang trong quá trình hoàn thiện.

Có thể thấy, với sự nỗ lực của thành phố,  kinh tế đã từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao dần chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bên cạnh đó,  việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là vùng ngoại thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; nếp sống đô thị ngày càng văn minh, giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn.

Định hình thương hiệu của đô thị xanh giàu bản sắc

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 249/QĐ-TTg, ngày 13-2-2014, đô thị Buôn Ma Thuột được điều chỉnh quy hoạch dựa trên cấu trúc đô thị hiện hữu, chủ yếu phát triển dọc theo hướng Đông Bắc và Tây Nam, bao gồm vùng phát triển đô thị và vùng vành đai xanh. Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 10.897 ha; vùng vành đai xanh khoảng 26.821 ha. Trên cơ sở quy hoạch này, Buôn Ma Thuột đang tập trung vào một số kế hoạch phát triển không gian trọng tâm theo hướng trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông vùng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để có thể đảm nhận vai trò trung tâm cấp vùng, gắn với việc khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng về nông nghiệp để hình thành một thành phố xanh trên cao nguyên. Việc quy hoạch và chỉnh trang thành phố, tạo không gian đô thị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên là một trong những mục tiêu trọng tâm của thành phố. Chính vì vậy, chính quyền địa phương nơi đây đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng cơ sở về giao thông, đô thị theo quy hoạch được duyệt, từng bước phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển về hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối các trung tâm lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đường bộ, đường không… Nhiều dự án trọng điểm được Trung ương, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng góp phần thay đổi diện mạo thành phố ngày một khang trang, hiện đại như: đường vành đai phía Tây, chợ Buôn Ma Thuột, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên…

TP. Buôn Ma Thuột dần khẳng định thương hiệu đô thị xanh Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia
TP. Buôn Ma Thuột dần khẳng định thương hiệu đô thị xanh Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdăm, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột khẳng định, Buôn Ma Thuột có đầy đủ tiềm năng, nền tảng để xây dựng một đô thị giàu bản sắc, xanh năng động, bền vững với những vùng sinh thái đặc thù trong lòng và bao bọc xung quanh. Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thành phố cũng sẽ phát triển tập trung hơn, trong đó ưu tiên tái sinh các khu rừng, nâng cấp các vùng chuyên canh cà phê với phương thức chuyên canh công nghệ cao, tạo thành vành đai xanh rừng và cây công nghiệp bao quanh thành phố. Bên cạnh đó là khai thác tối đa các yếu tố địa hình, mặt nước nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng cũng là để tạo bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hiện tại, để phát triển bền vững và toàn diện, chính quyền địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp tạo vốn đầu tư công, khai thác nội lực hiện có đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Như mục tiêu mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực: công nghiệp - dịch vụ, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu hút đầu tư, hình thành cơ sở hỗ trợ du lịch trung tâm của tỉnh (hub city service), khu du lịch điểm nhấn của tỉnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn mới; nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị hưởng thụ cho người dân, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển đô thị gắn bảo vệ môi trường sinh thái.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.