Multimedia Đọc Báo in

Chạy đua với... nước (Kỳ I)

09:28, 08/03/2016

Hầu hết các tỉnh, thành ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang đối mặt với cơn đại hạn được đánh giá là khốc liệt nhất trong vòng 10 năm qua. Nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt đang là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay. Hiện tại, một số vùng trong khu vực này coi nước như “vàng” và một cuộc chạy đua tìm nước đã thật sự bắt đầu…

Kỳ 1: Nguồn nước mặt đã kiệt

Nhiều sông suối trên địa bàn Đắk Lắk đã trơ đáy, theo đó đã có 1/3 trong số 770 công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước chết, khiến tình hình hạn hán ở đây trở nên trầm trọng hơn cả về tính chất, lẫn mức độ phải hứng chịu trong mùa khô năm nay.

Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cảnh báo, do lượng mưa trong năm 2015 khá thấp (trung bình từ 1.200-1.500 mm trên toàn vùng), cộng thêm tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu mà rõ nét là mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm nên nguồn nước mặt được tích trữ trong các ao, đầm, hồ, đập cũng như lưu lượng nước trên các sông suối đều ở mức rất thấp (khoảng 60-70%) so với cùng kỳ nhiều năm. Vì thế, so với nhu cầu nước tưới cho hàng chục vạn héc-ta cây trồng các loại và nước sinh hoạt phục vụ cho người dân trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay thì nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40%. Tình trạng thiếu nước sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong tháng 3 và 4 sắp tới, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nói chung ở các tỉnh Tây Nguyên trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.
Đập dâng ở huyện Cư Kuin đã kiệt nước.  Ảnh: Minh Thuận
Đập dâng ở huyện Cư Kuin đã kiệt nước. Ảnh: Minh Thuận

Tại Đắk Lắk, báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT cho thấy lượng nước trên các sông suối và trong 770 công trình thủy lợi đã bắt đầu cạn kiệt. Những con suối lớn trên địa bàn như Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông H’năng… đã không còn nước từ  đầu tháng 2-2016, khi hàng vạn nông hộ ở đây đua nhau vét tưới cho cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng cạn. Các công trình thủy lợi cũng đang lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau” do mực nước quá thấp so với dung tích thiết kế. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong số 554 công trình mà đơn vị này đang quản lý, vận hành thì đến nay ngoài 14 hồ, đập đã kiệt nước hoàn toàn, số còn lại cũng chỉ đáp ứng chưa đến 40% nhu cầu nước tưới. Ông Vũ Minh Đức - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk đánh giá: Chưa có năm nào lượng nước tích trữ trong các hồ, đập lại đạt thấp như vậy, khoảng 325 triệu m3 so với năng lực thiết kế là hơn 500 triệu m3, giảm gần một nửa so với trung bình nhiều năm trước. Con số này sẽ tiếp tục sụt giảm nữa trong những tháng tiếp theo nếu như không có những đợt mưa trái mùa để bổ sung nguồn nước. Theo ông Đức, mong đợi từ những đợt mưa “bất thường” là không thể xảy ra, vì tháng 3- 4 sắp tới là thời kỳ cao điểm của mùa khô Tây Nguyên nên tình hình hạn hán chắc chắn sẽ trở nên khốc liệt hơn. Đến nay, các công trình thủy lợi có dung tích chứa từ vài chục triệu mét khối nước trở lên như Ea Súp Hạ, Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp), Buôn Joong (Cư M’gar), Krông Búk Hạ (Krông Pắc), Ea Ral (Ea H’leo), Yang Reh (Krông Bông)… cũng đang trên đà cạn kiệt dần. Đến thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-2016 thì lượng nước trong các lòng hồ trên sẽ chỉ còn lại 30-40% dung tích hiện có (chứ không phải dung tích thiết kế). Chẳng hạn như hồ Yang Reh, lượng nước ở đây hiện còn khoảng 2 triệu m3, nếu tình hình không thay đổi thì 1-2 tháng nữa mực nước sẽ giảm gần 1/2. Ngoài ra, có khoảng 1/3 trong tổng số hơn 600 hồ nhỏ, đập dâng trên địa bàn tỉnh - dự báo cũng sẽ rơi vào mực nước chết trong thời gian tới. Phải nói rằng, đến lúc đó hạn hán ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung mới thực sự nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ phải hứng chịu do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên đã dự báo.

Anh Phạm Văn Bình (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đào khoan thêm giếng nước  để cứu cà phê.
Anh Phạm Văn Bình (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đào khoan thêm giếng nước để cứu cà phê.

Tương tự ở Gia Lai và Kon Tum - hai địa phương được đánh giá là phải đối mặt với nguy cơ hạn hán hoành hành nặng nề nhất (chỉ sau Đắk Lắk)   trong mùa khô năm nay cũng đang khốn đốn với tình trạng thiếu nước tưới và nước sinh hoạt do một loạt sông suối, hồ đập thủy lợi trên địa bàn trơ đáy. Tại Hội nghị tập trung chống hạn cho khu vực Nam Trung bộ-Tây Nguyên do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Ninh Thuận hôm 22-2, ngành Nông nghiệp của hai tỉnh này cho biết, các đập chứa lớn như Ia Rung, Ia Bang, Cư Prông (Gia Lai) và Đắk Sa Nen, Đắk Brông (Kon Tum) đã không còn đủ nước tưới cho hàng chục nghìn héc-ta cà phê, hồ tiêu và lúa trên địa bàn. Đặc biệt là công trình đại thủy nông Ayun Hạ, vốn được ví là “túi nước khổng lồ” ở Tây Nguyên với dung tích chứa hơn 253 triệu m3, trải rộng trên 3.700 ha thuộc địa phận huyện Phú Thiện, Chư Sê (Gia Lai) đã “teo tóp” lại  đáng kể, ước tính lượng nước ở đây chỉ còn trên dưới 150 triệu m3 và lòng hồ đã thu hẹp còn khoảng 3.000 ha. Trong những tháng mùa khô sắp tới, công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên này sẽ không còn khả năng tưới đủ cho hơn 13.500 ha cây trồng các loại trên địa bàn như mọi năm.

 Qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, dù chưa bước vào đỉnh điểm mùa khô 2015-2016, nhưng đã có 1/3 trên tổng số 2. 233 công trình thủy lợi lớn, nhỏ kiệt nước hoặc mất năng lực tưới do mực nước quá thấp. Thực tế đó, bước đầu đã làm cho một số diện tích cây trồng trên  địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum bị ảnh hưởng, thiệt hại cục bộ. Tính đến trung tuần tháng 2-2016, tại 3 địa phương này đã có hơn 275 ha lúa đông xuân khô cháy, hơn 4.300 ha khác nằm trong vùng kiệt nước và đồng ruộng đang nứt nẻ dần, khiến khả năng mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra, hơn 180.000 ha cây công nghiệp và cây trồng cạn khác cũng đang trong tình cảnh thiếu nước trầm trọng.

Trong đó, riêng diện tích cà phê ở Đắk Lắk không có nước để tưới cho đợt 2- 3 lên tới hơn 80.000 ha và số dân bị thiếu nước sinh hoạt hơn 25.000 hộ, tập trung tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng và Krông Bông… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh trên, thời gian tới con số này sẽ tăng lên từng ngày và đến cuối mùa khô này (dự kiến hết tháng 5-2016) mức độ thiệt hại do hạn hán trên toàn vùng chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, nếu như chính quyền các địa phương không đưa ra giải pháp chống hạn quyết liệt, thường xuyên và kịp thời.                                                    

(Còn nữa)

Đình Đối

Kỳ 2: Đua nhau tìm nước ngầm

 


Ý kiến bạn đọc