Multimedia Đọc Báo in

Chương trình kiên cố hóa kênh mương: Chưa đạt mục tiêu đề ra

09:17, 18/03/2016

Thiếu nước tưới hiện đang là vấn đề nóng bỏng của người dân Đắk Lắk trong mùa khô hạn. Chính vì vậy để giảm lượng nước thất thoát và tăng diện tích tưới thì một trong những giải pháp chính là kiên cố hóa kênh mương (KCHKM). Tuy nhiên, chương trình KCHKM của tỉnh giai đoạn 2011-2015 mới chỉ đạt trên 50% kế hoạch đặt ra…

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, hiện toàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi, trong đó có 381 công trình không có kênh mương, 389 công trình có hệ thống tưới. Các công trình thủy lợi mới đáp ứng được trên 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, với khoảng 230.300 ha, trong đó, lúa đông xuân 30.000 ha, vụ mùa 53.400 ha; cà phê 132.300 ha.... Tuy nhiên, xét về hiệu quả tưới, các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới phát huy được khoảng 65% - 75% năng lực thiết kế. Một trong những nguyên nhân là do phần lớn các công trình thủy lợi hệ thống kênh mương chưa được hoàn thiện, kênh nội đồng vẫn chủ yếu là kênh đất. Các tuyến kênh đất hiện có đã được xây dựng từ lâu trên nền địa chất yếu, trong quá trình cung cấp nước tưới và trải qua nhiều đợt mưa lũ nên hầu hết các tuyến kênh này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác quản lý khai thác, lãng phí nước, dẫn đến thiếu nước tưới, nhất là ở những năm hạn, đồng thời tốn kinh phí sửa chữa, hiệu quả công trình không cao. Trong khi đó, kênh mương được kiên cố hóa đem lại hiệu quả như tiết kiệm nước, giảm bớt thời gian dẫn nước, ít bị hư hỏng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, hạn chế được tổn thất nguồn nước trên kênh, tăng diện tích tưới và hiệu quả công trình. Trước thực tế đó, Chương trình KCHKM được xây dựng trong 2 giai đoạn 2000-2010 và 2011-2015, trong đó, giai đoạn 2011-2015 là đầu tư các hệ thống kênh mương của 42 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh để phục vụ tưới cho 20.840 ha cây trồng các loại; đến hết năm 2015 tổng chiều dài kênh mương kiên cố được là 479,5 km, gồm kênh chính 19,5 km, kênh nhánh 384,9 km. Tuy nhiên, theo kết quả thực hiện thì chương trình mới có 20/42 công trình được đầu tư, diện tích cây trồng phục vụ tưới 7.058 ha, trong đó cà phê 2.180 ha, lúa 4.878 ha. Tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa 204,8 km, đạt 50,6% kế hoạch, điều này cho thấy tiến độ thực hiện của chương trình còn chậm.

Công trình thủy lợi hồ chứa Ta Lông, xã Đắk Phơi (huyện Lắk)  mới kiên cố hóa được 300 mét kênh mương.
Công trình thủy lợi hồ chứa Ta Lông, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) mới kiên cố hóa được 300 mét kênh mương.

Theo Chi cục Thủy lợi, tổng chiều dài kênh hiện có trên địa bàn Đắk Lắk là hơn 1.918 km, trong đó kênh chính 876,45 km, kênh nhánh 1.042,54 km; chiều dài kênh được kiên cố hóa 1.063,10 km, gồm kênh chính 587,24 km, kênh nhánh 475,85 km. Như vậy, sau 15 năm thực hiện, chương trình KCHKM toàn tỉnh mới chỉ kiên cố được 55,4% trong tổng số kênh mương hiện có. Việc thực hiện KCHKM mới tập trung vào các công trình lớn như Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ…, còn lại các công trình đầu tư giai đoạn trước đó ít được chú ý kiên cố hóa. Đơn cử tại huyện Ea Kar có tổng số 67 công trình thủy lợi (53 hồ chứa và đập dâng; 14 trạm bơm tưới); tổng chiều dài kênh mương 190,3 km (kênh chính 93,6 km; kênh nhánh 96,7 km), trong đó, bê tông hóa được 97 km (kênh chính 72,2 km; kênh nhánh 24,8 km), đạt 51%. Số còn lại gần 50% là kênh đất thuộc các xã Ea Đar, Xuân Phú, Cư Yang, Cư Bông, Ea Păl, Cư Ni, xã Ea Ô..., do vậy nguồn nước bị thất thoát rất lớn, ảnh hưởng đến việc tưới cho cây trồng.

Nguyên nhân khiến chương trình không đạt mục tiêu đề ra là do nguồn vốn thiếu, đầu tư không đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn nên có một số dự án chỉ đầu tư xây dựng công trình đầu mối, còn kênh mương là kênh đất, hoặc có công trình chỉ xây dựng kiên cố được một đoạn kênh, những đoạn còn lại phải chờ vốn hoặc chờ giải phóng mặt bằng. Do vậy, những công trình này khi đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả. Mặt khác, chương trình chỉ tập trung nghiên cứu KCHKM ở khu vực trồng lúa nước, còn bỏ trống ở khu vực cây trồng cạn; chưa quan tâm đến việc nghiên cứu ở những vùng khan hiếm nước, nền địa chất phức tạp lượng nước bị thẩm thấu nhiều và vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gây khô hạn để đưa ra các giải pháp tưới tiết kiệm… Thiết nghĩ, để tiếp tục phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đáp ứng nhu cầu nước tưới ở  vùng sâu, vùng xa, vùng hay xảy ra hạn hán, tỉnh cần tiếp tục đầu tư và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để nâng dần tỷ lệ KCHKM, đồng thời thực hiện KCHKM gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

 Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.