Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Buôn Ma Thuột trên lộ trình đến TPP

13:01, 10/03/2016

Ngày 4 tháng 2 năm 2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về thỏa thuận thương mại tự do đã được ký kết giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, dự kiến có hiệu lực sau 2 năm. Xác định sẽ có sự cạnh tranh gay gắt về hàng hóa, thị trường, thị phần tại ngay nội địa cũng như quốc tế nên nhiều doanh nghiệp (DN) ở Buôn Ma Thuột đã có bước chuẩn bị cho mình hành trang khi hội nhập vào sân chơi lớn này.

Lãnh đạo các DN nhỏ và vừa Buôn Ma Thuột đều có chung nhận định, TPP là cơ hội phát triển cho DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng, nhưng đây cũng chính là thách thức không nhỏ đối với họ.  Cơ hội phát triển bởi đây là sân chơi rộng mở, hướng đến sự bình đẳng về thương mại, trên cơ sở xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên nên DN có thêm cơ hội sáng tạo, tăng cường đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu… Tuy nhiên, cùng với đó là những khó khăn, thách thức dễ thấy, nhất là đối với DN ít vốn, chậm đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng hóa nội địa với nhau cũng như giữa sản phẩm hàng hóa nội địa với quốc tế.

Hút chân không đóng gói bao bì cà phê xuất khẩu  ở Công ty An Thái. Ảnh: Đỗ Lan
Hút chân không đóng gói bao bì cà phê xuất khẩu ở Công ty An Thái. Ảnh: Đỗ Lan

Là DN có tuổi đời trên 30 năm, ban đầu chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí đơn giản, đến nay, Công ty Đăng Phong đã mở rộng sản xuất ra các mặt hàng dân sinh cao cấp như bồn đựng nước inox, các dòng bơm điện thả chìm công suất từ ¼ đến 30 sức ngựa, hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời… Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty cho hay, sản phẩm hàng hóa của đơn vị chủ yếu tiêu thụ trong nước, một phần xuất sang các nước Lào, Campuchia. Với lực lượng lao động hiện nay trên 200 người (công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 40 người) ngày càng được chuyên môn hóa, trong đó đội ngũ kỹ sư chiếm tỷ lệ 5%, trung cấp 7%, còn lại là lao động thạo việc, Công ty luôn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định chọ họ, với mức thu nhập bình quân năm 2014 là 5,5 triệu đồng/người/tháng, năm 2015 lên 5,8 triệu đồng/người/tháng… Kể ra hoạt động của một DN nhỏ và vừa được như vậy cũng là điều đáng mừng, nhưng Công ty không dừng lại ở đó mà tiếp tục đầu tư nâng cấp dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập khi TPP có hiệu lực. Ông Phong cho biết thêm, thời gian gần đây, đơn vị đã đầu tư 2 dây chuyền công nghệ khá hiện đại: quấn động cơ tự động cho sản phẩm bơm chìm, tăng công suất sản xuất lên 500% và sơn tĩnh điện nâng công suất lên 300%. Cùng với đó, Công ty cũng thường xuyên rà soát, sắp xếp lại con người và các công đoạn sản xuất, loại bỏ những công đoạn thừa, tập trung cho công đoạn sản xuất hữu ích.

Khác với Đăng Phong, mặt hàng chủ đạo của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển An Thái là cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu nên áp lực của sự cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế là rất lớn. Không phải đến bây giờ mà từ lâu, đơn vị đã chuẩn bị cho mình một nền tảng về con người và dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại khá vững chắc. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty cho hay, lâu nay sản phẩm của Công ty dành cho tiêu thụ nội địa là khoảng 10%, còn lại 90 % được xuất sang 20 nước (chủ yếu là khu vực Châu Á) và đang từng bước thâm nhập vào những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Ông Lợi xác định, sắp tới, khi TPP có hiệu lực thì sự cạnh tranh sẽ gắt hơn nên đơn vị cũng đã có những bước chuẩn bị khá kỹ càng cho sân chơi lớn này. Để giữ lượng khách hàng đã có và tăng thêm số khách hàng mới, tiềm năng, kế hoạch trước mắt và lâu dài của DN là phân khúc đầu tư hợp lý dựa trên thực lực của mình. Trong đó, về chất lượng sản phẩm luôn được DN chú trọng, nhất là vấn đề vệ sinh ATTP  và khâu nguyên liệu đầu vào; không dùng chất phụ gia, hương liệu vượt quá quy định. Dù thị trường xuất khẩu của DN khá ổn định và rộng mở, nhưng An Thái vẫn không quên chú trọng đến thị trường nội địa. Ông Lợi chia sẻ thêm, DN đã và đang nâng tỷ lệ hàng tiêu thụ nội địa lên 20% so với hàng xuất khẩu; dự kiến trong tháng 5 tới sẽ đầu tư thêm dây chuyền rang xay công nghệ hiện đại nhất của Thụy Sĩ. “Sắp tới, khi TPP có hiệu lực, các nhà kinh doanh bán lẻ nước ngoài sẽ “nhảy” vào ta nhiều hơn, nếu không chuẩn bị chu toàn từ bây giờ thì ta sẽ dễ bị thua ngay trên sân nhà”, ông Lợi nói thêm.

Còn đối với Công ty CP lâm sản Đắk Lắk (tiền thân là DN Nhà nước) có xuất phát điểm cho hành trình đến TPP có phần khó khăn hơn. Với lực lượng lao động hiện nay là 110 người, trong đó lao động là đồng bào thiểu số tại chỗ chiếm 30%, lao động trực tiếp 95%, Công ty sản xuất 4 mặt hàng chủ lực: xẻ phôi gỗ, ván ghép, ván dăm và hàng nội thất xuất khẩu sang trung Quốc và tiêu thụ trong nước. Nguyên liệu đầu vào gồm các loại gỗ rừng trồng: cao su, tràm, keo…, Năm 2015, khối lượng sản phẩm Công ty sản xuất được 2.700 m3 gỗ xẻ, 283 m3 ván ghép, 34.000 tấm ván dăm; doanh thu đạt 70 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 4 triệu đồng/tháng. Những năm qua, dù doanh số tăng đều hằng năm khoảng 10%, nhưng trên lộ trình đến TPP, Công ty vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Trần Viết Bính, Giám đốc Công ty, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào của đơn vị khá bấp bênh (do phải đấu giá khá cao mới mua được, nhưng vốn của Công ty lại không trường); đầu ra sản phẩm cũng thiếu ổn định, nên từ đầu năm 2016 đến nay Công ty chỉ sản xuất theo kiểu “ăn đong”, kéo theo thiết bị máy móc đơn vị chỉ dụng hết 50% công suất. Nói về lộ trình đến TPP của DN, ông Bính nhấn mạnh, Công ty đang xúc tiến tái cơ cấu sắp xếp lại công tác tổ chức, đồng thời rà soát kỹ các khâu sản xuất, thiết bị máy móc, tiến tới sử dụng hết công suất của máy móc, thiết bị; sản xuất thêm các mặt hàng mới như gỗ tinh chế, ván sàn phủ lớp phoocmeca; tái kinh doanh ngành cà phê (mà đơn vị tạm dừng trong năm 2014)… Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của Công ty hiện nay là về vốn; cũng theo ông Bính, các ngân hàng tuy có giảm lãi suất cho vay DN nhỏ và vừa nhưng vẫn còn ở mức cao khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh…

Bùi Đình Kim


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.