Hàng Việt và "cuộc chiến" giữ sân nhà
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhãn hàng ngoại như Thái Lan, Indonesia, Maylaysia… đã khiến hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt và có thể bị “thua thiệt” ngay chính sân nhà.
Cạnh tranh gay gắt
Nếu như trước đây, hàng ngoại đa phần chỉ dành cho đối tượng khách hàng là người có thu nhập cao, như mỹ phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, quần áo Mỹ, giày dép của Hà Lan… thì gần đây, hàng các nước trong khối Asean đang dần mở rộng quy mô ở thị trường Việt Nam; đặc biệt hơn, trong số đó phần lớn đều nằm trong nhóm hàng mà Việt Nam đang sản xuất và có thể cạnh tranh được về giá. Xu hướng phân khúc tiêu dùng bình dân đang hình thành khá rõ nét ở những dòng sản phẩm của Thái, Indonesia, Malaysia…
Có thể nói, chưa bao giờ việc kinh doanh hàng Thái, Malaysia lại trở nên sôi động như thời điểm này. Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, trước đây, các nhãn hàng của các quốc gia này bày bán ở thị trường, chủ yếu là các ngành hàng mà hàng Việt không có hoặc có rất ít mẫu mã thì nay hàng Thái và Malaysia ồ ạt đổ về ở nhiều nhóm hàng và cạnh tranh tốt về giá. Chẳng hạn, một hộp bánh quy của Malaysia chất lượng tương đương sản phẩm trong nước, nhưng giá lại mềm hơn và có nhiều hương vị như hương dâu, kiwi, Việt quất… để NTD lựa chọn. Bà Phan Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) cũng thừa nhận, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các loại kẹo Thái, bánh hộp của Malaysia có giá từ 45.000 – 150.000 đồng/hộp bán khá chạy. Bên cạnh đó, dầu gội và mỹ phẩm Thái cũng đang dần “lấn sân” hàng Việt và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chọn mua nông sản Việt tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. |
Cùng với đó, xu hướng kinh doanh chuyên hàng Thái, Malaysia cũng đang trở nên phổ biến tại các shop online với hàng trăm chủng loại, từ đồ gia dụng như khăn giấy, bột giặt, nước xả đến bánh kẹo, nước ngọt… Sự góp mặt của hàng hóa ở các quốc gia này góp phần làm cho thị trường nước ta trở nên phong phú và sôi động hơn, nhưng cũng đặt doanh nghiệp (DN) Việt vào thế cạnh tranh gay gắt.
Áp lực cho hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, hàng trong nước với sự cải tiến nhiều về mẫu mã, chất lượng đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người dân về hàng Việt. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của hàng nội ngay tại sân nhà đang chịu áp lực lớn khi hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan, Malaysia tiếp cận thị trường trong nước ngày càng nhiều.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tiêu dùng tại Siêu thị Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột. |
Có một thực tế là hàng thuần Việt với các thương hiệu lớn có mặt trên thị trường chưa nhiều, chủ yếu vẫn là hàng liên doanh của các hãng như Uniliver (Anh-Hà Lan), Ajinomoto (Nhật Bản)… được khá nhiều người chọn mua. Trong khi đó, các nhãn hàng như dầu gội, kem đánh răng, sữa dưỡng trắng da… của Thái Lan, Malaysia đang ngày càng mở rộng quy mô và trở nên quen thuộc với nhiều NTD. Một tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, gần đây bánh kẹo, quần áo của Thái Lan, Maylasia được NTD ưa chuộng, còn tiểu thương thì luôn muốn nhập loại hàng này về bán bởi giá bình dân, chiết khấu cao, lại được “gối đầu” nên buôn bán dễ dàng hơn. Đại diện siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột thừa nhận, hàng Việt được bày bán trong siêu thị với tỷ lệ lớn và được NTD tin dùng, nhất là ở ngành hàng quần áo, thực phẩm các loại, nhưng nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em siêu thị phải nhập ngoại do trong nước không có hoặc mẫu mã khá đơn điệu.
Vài năm trở lại đây, nhận thấy Đắk Lắk là thị trường đầy tiềm năng nên nhiều Tập đoàn lớn đã triển khai hệ thống bán lẻ, các Trung tâm thương mại ở TP. Buôn Ma Thuột như Trung tâm Meetro Cash & Cary, Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột… bày bán sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn như mỹ phẩm Mades Hà Lan, giày dép Top Toe, Men Icon, Sexy Walk…, đây cũng là đối thủ lớn của các DN nội.
Cùng với đó, thời gian qua, nhiều hiệp định thương mại được ký hết, giá các mặt hàng nhập khẩu sẽ còn tiếp tục giảm sâu, khiến các DN Việt phải đương đầu với cuộc cạnh tranh mới. Do đó, cùng với việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết nghĩ, DN Việt cần mở rộng liên kết, chủ động tiếp cận được với các điểm phân phối, bán lẻ để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu kỹ thị trường để tận dụng lợi thế “sân nhà”, nhất là tại các vùng nông thôn trong tỉnh.
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc