Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh năng động trên mặt trận kinh tế

09:48, 15/04/2016

Sau những năm tháng chiến tranh gian khổ, hoàn thành nghĩa vụ trở về với cuộc sống đời thường, bằng ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình.

Rời quê lúa Thái Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1978, cựu chiến binh Phan Đức Cường (thôn 12, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, cần cù, chịu khó làm việc để phát triển kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, hằng ngày đi làm thuê cuốc mướn để kiếm sống, một vài năm sau, nhờ tích lũy, ông đã mua được mấy sào đất trồng cà phê. Nhận thấy nếu cứ độc canh cây cà phê sẽ khó vươn lên làm giàu và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên dần dần ông đã chuyển hướng sang đa dạng hóa cây trồng. Sau khi tìm hiểu các mô hình trồng đa canh qua ti vi, sách báo, ông đã bàn với vợ  con đào bỏ những gốc cà phê già cỗi để trồng xen tiêu và cây ăn quả như sầu riêng, bơ… vừa tăng thu nhập vừa tạo bóng mát để hạn chế nước tưới cho cây trồng. Theo ông Cường, trước đây do chỉ trồng cà phê nên thu nhập rất bấp bênh, năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa, lại phải lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn học nên chẳng khi nào dư giả. Bây giờ với hơn 1,3 ha đất trồng 1.300 cây cà phê, 800 trụ tiêu, hơn 100 cây sầu riêng và hàng chục cây bơ ghép cùng đàn heo rừng giống đã đem về thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông (sau khi đã trừ chi phí đầu tư). Cũng nhờ đó, các con của ông đã có điều kiện học hành thành đạt, đặc biệt là người nào cũng đã học đến chương trình cao học. Hiện nay, con cái đã có việc làm ổn định, không ai nối nghiệp làm nông nên mặc dù đã bước sang tuổi 73 thế nhưng hằng ngày ông Cường và vợ vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây bởi đó là công sức của mình đã tạo dựng trong suốt những năm qua. Ông Cường chia sẻ: “Bao nhiêu năm vất vả làm việc mới gây dựng được cơ ngơi, sự nghiệp như ngày hôm nay nên tôi sẽ tiếp tục lao động, sản xuất đến khi nào không thể làm được nữa. Nhiều lần các con cũng đề nghị bố mẹ nghỉ ngơi, không tiếp tục công việc nhà nông nặng nhọc nhưng vợ chồng tôi không đồng ý bởi chân tay đã quen làm giờ mà ngồi chơi, an hưởng cũng rất khó chịu. Điều tôi vui mừng nhất bây giờ là các con đã thành đạt và có cuộc sống khấm khá, không phải chịu cảnh vất vả như thời của bố mẹ”.

Cựu chiến binh Phan Đức Cường (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu với  đồng đội.
Cựu chiến binh Phan Đức Cường (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu với đồng đội.

Với cựu chiến binh Hoàng Văn Khải (thôn 1, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) nhiều người trong xã, đặc biệt là các đồng đội đều biết đến không chỉ bởi lao động, sản xuất giỏi mà còn bởi sự năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế gia đình. Năm 1992, sau khi rời mảnh đất Hà Tĩnh đến xã Hòa Xuân làm kinh tế, giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống, ông không đầu hàng số phận mà ngược lại càng cố tìm tòi, suy nghĩ cách làm giàu. Với chút vốn mang theo sau khi bán ruộng vườn, nhà cửa ở quê, ông quyết định mua mấy sào đất để trồng cây cà phê và tiêu. Nhờ sự năng động, ham học hỏi và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Khải đã đầu tư và chăm sóc tốt cho cây trồng, năng suất ngày càng tăng. Cùng với đó, ông mạnh dạn vay vốn mua bò về nuôi nhốt thâm canh, sau khi xuất chuồng lứa đầu tiên ông tiếp tục đầu tư và phát triển thành đàn; đồng thời, chăn nuôi thêm dê, heo, gà. Hiện nay, ngoài hơn 6 sào đất trồng cà phê và tiêu, ông Khải còn chăn nuôi thêm 10 con bò thịt, 20 con dê nhằm tạo thêm nguồn thu nhập. Để hạn chế chi phí chăn nuôi, ông đã đi cắt cỏ ở các cánh đồng hoang và trồng thêm cây chuối vừa thu hoạch quả để bán vừa tận dụng thân cây để tạo nguồn thức ăn cho đàn dê, bò. Với mô hình đa cây, đa con của gia đình ông mỗi năm đã đem về nguồn thu không nhỏ, điều này vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Khải (bên trái) chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Khải (bên trái) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cường, ông Khải còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương theo mùa vụ; đồng thời, tích cực tham gia công tác mặt trận, cựu chiến binh, người cao tuổi; gương mẫu trong việc hiến đất, góp tiền xây dựng đường giao thông nội thôn… Chẳng hạn như ông Cường, với trách nhiệm liên gia trưởng liên gia 5, mỗi tháng được hỗ trợ trên 200 nghìn đồng nhưng ông đã góp toàn bộ số tiền này vào việc chi trả tiền thắp sáng điện đường ở thôn mình; hay ông Khải đã tự dỡ bỏ gần trăm trụ tiêu đang cho thu hoạch để hiến đất làm đường giao thông mà theo ông ước tính nếu để lại thì mỗi vụ có thể cho thu hoạch từ 70 -80 triệu đồng. 

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc